21/09/2020 1:42:49

Trầm cảm có thật sự đáng sợ?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, trầm cảm đã trở thành một căn bệnh phổ biến, rất phức tạp và có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên rất nhiều người chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này.

Việt Nam một đất nước với tổng dân số 95 triện dân, nhưng có đến 30 triệu người có triệu chứng bị rối loạn tâm lý. Đó là một sự thật khiến nhiều người, lo lắng.

Trầm cảm là căn bệnh do rối loạn khí sắc, gây cảm giác buồn chán, mệt mỏi, mất hứng thú kéo. Sự rối loạn này không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng, cảm nhận, cách hành xử mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất của con người. Trầm cảm gây khó khăn cho chúng ta trong giao tiếp, làm việc và học tập.

Điều này không có gì là mới lạ, bởi theo thống kê tại Việt Nam cho thấy, số người tự tử hàng năm trung bình từ 36.000- 40.000 người, cao gấp gần 4 lần so với tử vong do tai nạn giao thông. 75% các vụ tử tử trên liên quan đến trầm cảm. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WTO) cho rằng trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới, số lượng người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm trên thế giới ước tính khoảng 350 triệu người và mỗi ngày trung bình có khoảng 2900 người tự tử liên quan đến trầm cảm.

Số người bị trầm cảm ở Việt Nam hiện nay khoảng 6- 8 triệu người. Đây mới thực sự là điều đáng lo ngại vì ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, văn hóa, đời sống hàng ngày… Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự tử.

Chúng ta chứng kiến rất nhiều phụ nữ sau sinh tự nhiên trái tính, trái nết, tính tình trở nên kỳ quặc, khó hiểu. Trẻ em có thể dẫn đến trầm cảm do áp lực học tập, hoàn cảnh gia đình thay đổi hoặc thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Người già cũng nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao do một số yếu tố bệnh lý mạn tính, cô đơn, buồn bã, thiếu người hiểu, thông cảm và chia sẻ với họ. Những người có cường độ làm việc cao, áp lực lớn như bác sỹ, nhà quản lý, công nhân mỏ cũng dễ dẫn đến trầm cảm. Phần lớn người bị tâm thần và trầm cảm chưa được phát hiện lên đến 80%, điều đó có nghĩa cứ 100 người bị thì chỉ có 20 người được phát hiện và điều trị, còn lại 80 % kia, vẫn bên cạnh chúng ta, hàng ngày vẫn sinh hoạt cùng gia đình, cộng đồng mà không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Đại dịch Covid- 19 đã lấy đi quá nhiều thứ của chúng ta như: thời gian, tiền bạc, công việc … đó chưa phải là tất cả mà nó còn đang lấy đi không khí lạc quan hạnh phúc gia đình của chúng ta nữa. Trong khi đó chúng ta lại quá bận bịu mải mê với những trò tiêu khiển game, phim, chương trình giải trí… Ngay lúc này các bạn hãy rời xa các thiết bị điện tử, đó là tốt nhất cứu lấy chính mình. Vì sao chúng ta không tận dụng thời gian này để mọi người trong gia đình cùng chăm sóc, yêu thương, trò chuyện, chia sẻ với nhau? Phát hiện, giúp đỡ những người bên cạnh (và có thể là chính chúng ta) có bị rối loạn tâm thần không, để đi khám phát hiện và đưa ra phác đồ điều trị sớm nhất.

Ở giai đoạn đầu, trầm cảm rất khó phát hiện, và dễ bị bỏ qua do triệu chứng không rõ ràng. Điều này khiến cho bệnh nhân rất khó khăn vì đi thăm khám các chuyên khoa khác nhau mà không tìm được nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Dù biểu hiện đa dạng nhưng vẫn có những triệu chứng cụ thể phổ biến để có thể dễ dàng nhận biết. Nếu bạn có 3/8 những triệu chứng sau đây và kéo dài trong 2 tuần thì khả năng cao bạn đang có dấu hiệu của bệnh trầm cảm:

  • Có vấn đề với giấc ngủ như, khó ngủ, mất ngủ trong thời gian dài hoặc ngủ quá nhiều.
  • Trong ăn uống, người bệnh có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng thường xuyên hoặc có thể ăn rất nhiều.
  • Cơ thể khó chịu, tâm thần bất an, luôn cảm thấy bồn chồn, bứt rứt khó chịu, thường xuyên cảm thấy hồi hộp, lo lắng.
  • Ngại giao tiếp xã hội, người bị bệnh không có hứng thú muốn trò chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh.
  • Chậm chạp, chán nản, không có hứng thú với tất cả mọi chuyện.
  • Luôn bi quan, tự ti trong mọi việc, thường xuyên có những suy nghĩ mọi thứ đều không có gì tốt đẹp.
  • Tự ti về bản thân: luôn lo lắng bản thân ngu ngốc, kém cỏi, cảm thấy mình vô dụng.
  • Có ý nghĩ về tự tử hoặc đã từng tự tử.

Trầm cảm là một bệnh lý phức tạp và cần phải được điều trị giống như bất kỳ bệnh lý thông thường nào khác. Bệnh lý này đòi hỏi cùng lúc 2 biện pháp. Sử dụng thuốc và điều trị với bác sĩ tâm lý. Bác sĩ cần phải thay đổi nhiều loại thuốc để tìm ra thuốc thực sự thích hợp với từng bệnh nhân. Thuốc trị trầm cảm cần 3-4 tuần mới có thể thấy được hiệu quả điều trị, trong điều trị có thể gặp vài tác dụng không mong muốn của thuốc. Nhưng tuyệt đối không tự ý ngừng dùng thuốc đột ngột và buộc phải tuân thep phác đồ điều trị của bác sỹ.

Để bệnh tiến triển tốt song song với điều trị bằng thuốc người bệnh nên điều trị với bác tâm lý để có kết quả tốt nhất. Trong đại dịch Covid- 19 vừa qua, cùng với hướng dẫn phòng chống dịch Covid, Bộ Y tế và cơ sở y tế các nước, trong đó có Việt Nam đều đã ban hành Hướng dẫn chăm sóc những người bị rối loạn tâm thần, trầm cảm tại nhà. Nhật Bản cũng đang thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn số người tự tử ở đất nước mặt trời mọc này, theo thống kê trong năm 2019 Nhật Bản có 20.000 người tự tử, nhưng có đến 639 người dưới 20 tuổi đã chọn tự kết thúc cuộc đời của họ. Những nguyên nhân chủ yếu do suy thoái kinh tế, áp lực về công việc, áp lực trong học tập.

Xét về tổng thể, trầm cảm là một bệnh lý thuộc về tâm thần, nó cũng giống như các bệnh lý thông thường khác, trầm cảm là một căn bệnh mãn tính và cần được điều trị lâu dài, kiên trì và rất cần sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ người thân và cộng đồng, điều đó giúp cho người bệnh sớm lấy lại cân bằng và trở lại với cuộc sống bình thường.

Thùy Dương