Trước thực trạng các chung cư, nhà tập thể cũ đang xuống cấp, việc bảo đảm an toàn cho người dân sống trong các chung cư này là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Liên tục những vụ cháy, sụp đổ với mức thiệt hại gia tăng về người và tài sản thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân và cả các cấp quản lý. Đã đến lúc cần có biện pháp cứng rắn, cách làm mới thiết thực và hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng trên, gấp rút di dân và tái định cư đảm bảo an toàn tính mạng, an sinh xã hội, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
TP.HCM chỉ đạo khẩn rà soát điều kiện PCCC ở chung cư mini
Theo văn bản khẩn UBND TP.HCM ban hành nhằm triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND TP giao các địa phương tổng rà soát, kiểm tra, phân loại, đánh giá công tác an toàn PCCC với các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini. Chủ động phát hiện các vấn đề tồn tại, các vi phạm để kịp thời hướng dẫn thực hiện ngay các biện pháp khắc phục. Nếu có trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về PCCC kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm. Đảm bảo điều kiện hoàn thành trước 30/10/2023.
Đại diện Phòng cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.HCM cho biết nhiều nhà trọ, chung cư mini nằm trong các hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ như lối thoát nạn, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa, hầm để xe. Người thuê trọ còn chủ quan, lơ là, bất cẩn trong việc sạc pin điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện,… xuyên đêm.
Thực hiện cải tạo xây dựng từ năm 2016, nhưng tới giờ, TP. HCM vẫn còn tới 16 chung cư cũ cấp D – cấp nguy hiểm mức độ cao nhất, có nguy cơ sụp đổ. Đó là chưa kể, có gần 250 chung cư cấp C, B cần sửa chữa, cải tạo. Tuy nhiên, xung đột pháp luật giữa quy định về ưu đãi đầu tư xây dựng lại nhà chung cư với quy định pháp luật về thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính (về thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc, về việc miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi thực hiện dự án) dẫn đến một số dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, khó mời gọi nhà đầu tư tham gia. Thực trạng đó vẫn tiếp diễn đến nay khiến cuộc sống hàng ngàn hộ dân “phập phồng” trong nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và sụp đổ bất cứ lúc nào.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, trong gần 500 chung cư cũ xây trước năm 1975 trên địa bàn TP. HCM, phần lớn đang xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, cơi nới tăng diện tích sử dụng, nhưng hầu hết không được bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, nên đã ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình. Hầu hết (chiếm tới 98%) chung cư cũ tại TP.HCM có quy mô từ 8 tầng trở xuống và 72% chung cư cũ có có diện tích dưới 1.000 m2.
Ẩn họa chung cư xuống cấp, chung cư nhỏ: Thiếu thiết bị PCCC, thiếu lối thoát hiểm, hệ thống chữa cháy không hoạt động
Kể cuộc sống gia đình chị Minh Thư ngụ tầng 3 (chung cư BH tại Q.10) cho biết, ngày qua ngày diễn ra trong nỗi thấp thỏm, lo sợ cháy nổ. Xây dựng từ trước năm 1975, chung cư này xuống cấp trầm trọng, kéo theo hệ thống dây điện chằng chịt, đóng bụi, móc nối loạn xạ, kéo từ nhà này qua nhà khác như mạng nhện. Thang sắt thoát hiểm thì không sử dụng được. Các hộ dân biến nó thành nơi phơi quần áo, kho để vật dụng, thậm chí có nhà còn biến hành lang thoát hiểm thành nhà bếp để nấu nướng,…
Khi tác giả hỏi ngẫu nhiên vài hộ dân xung quanh về bình chữa cháy hay chuông báo khói báo cháy, hầu như họ đều xua tay, lắc đầu… Một số cư dân kể lại đôi khi phát hiện khói lửa vì không thấy có hệ thống báo động nên họ báo hiệu cho nhau bằng cách la toáng lên hoặc gõ nồi nhôm, các vật kim loại tạo tiếng báo động cho mọi người !?
Tại chung cư L. tại Q. Bình Thạnh, ông Tuấn Minh (56 tuổi) cho biết dù sinh ra và lớn lên tại chung cư này nhưng trước nay ông Minh chỉ biết đến ba bình chữa cháy đặt tại trụ PCCC công cộng ở tầng trệt dùng chung cho cả 5 lô chung cư. Khi được hỏi về việc trang thiết bị PCCC không đủ thậm chí không lắp hệ thống báo khói, nếu xảy ra tình huống bất ngờ thì xoay xở thế nào, ông Minh và nhiều cư dân chỉ biết nhìn nhau cười chua chát và chia sẻ là đành tùy theo “số phận” !?
Còn rất nhiều những hoàn cảnh, nhiều gia đình đang phải bấu víu lấy điều kiện sống như vậy. Vì “miếng cơm manh áo” họ buộc phải chấp nhận sống cùng “nỗi lo sợ” từng ngày.
Ông Huỳnh Thanh Trường (51 tuổi), Trưởng ban Quản trị chung cư tại Q.4 cho biết, hiện nay tại 5 tầng chung cư có hơn 120 hộ dân sinh sống. Tuy không gian sống có hơi chật chội nhưng theo ông Trường, vì gia đình ở tầng 5 nên tầm nhìn cũng thoáng rộng, gió mát. Đồng thời, “sống đâu quen đấy”, những người lao động nơi đây đã quen với không gian, nhịp sống này hàng chục, vài chục năm. Có những gia đình là bạn bè, bà con thân thiết, rất đoàn kết với nhau. Một điều quan trọng khiến bà con gắn bó với chung cư bởi đây là khu vực trung tâm, họ đã quen với những công việc mưu sinh ở nơi này, như làm giữ xe, phục vụ nhà hàng, bán nước vỉa hè…, đi nơi khác thì khó mà thích nghi được.
Tháo gỡ những vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại chung cư
Ngày 5/6/2023, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án Luật Nhà ở. Theo đó, trong dự thảo Luật Nhà ở có một chương quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư. Cụ thể, chương V gồm 15 điều (từ điều 60 đến điều 72) quy định về: thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, những hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, yêu cầu, nội dung kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, yêu cầu về quy hoạch dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời…
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo trình UBND TP về các vướng mắc trong việc tính tiền thuê nhà tạm cư thời gian qua do sự khác nhau giữa các quy định hiện hành. Theo đó, đối với những trường hợp thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi chung cư hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ và được nhà nước bố trí tạm cư tại căn hộ thuộc sở hữu nhà nước, người sử dụng căn hộ tạm cư phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí quản lý vận hành cho đơn vị quản lý vận hành chung cư.
Riêng chi phí thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước được tính theo 02 giai đoạn:
1/ Giai đoạn chưa lựa chọn được chủ đầu tư thực hiện dự án: đối với trường hợp người đang thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thì người sử dụng nhà có trách nhiệm chi trả tiền thuê nhà ở tạm cư theo đơn giá thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Đối với người sử dụng căn hộ trước đó thuộc sở hữu tư nhân, UBND TP.HCM sẽ bố trí chỗ ở tạm thời tại căn hộ thuộc sở hữu nhà nước và không thu tiền. Việc xử lý các chi phí liên quan đến việc bố trí tạm cư cho các trường hợp này sẽ được xem xét ở bước lập phương án bồi thường và xác định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư (có thanh toán cho nhà nước hay không, thanh toán bao nhiêu, hình thức thanh toán).
2/ Ở giai đoạn lựa chọn được chủ đầu tư: chủ đầu tư sẽ chi trả chi phí thuê nhà ở, bao gồm các hộ có nhà ở thuộc sở hữu tư nhân hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Chia sẻ với truyền thông, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM nói: “Việc thay thế chung cư cũ nát không phải là hoạt động công ích, từ thiện hay xã hội, mà là quan hệ lợi ích, nhà đầu tư phải có lời thì mới làm. Đã đến lúc, chính quyền phải chấp nhận cho các nhà đầu tư xây dựng với số tầng cao gấp 3-4 lần chung cư cũ, thì mới có số căn hộ thương mại dôi ra, đảm bảo cho chủ đầu tư kinh doanh có lợi nhuận, người dân được an cư và an toàn”.
Dễ nhận thấy, trước thực trạng các chung cư, nhà tập thể cũ xuống cấp, việc bảo đảm an toàn cho người dân sống trong các chung cư cũ xuống cấp là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Liên tục những vụ cháy, sụp đổ với mức thiệt hại gia tăng về người và tài sản thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân và cả các cấp quản lý. Đã đến lúc cần có biện pháp cứng rắn, cách làm mới thiết thực và hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng trên, gấp rút di dân và tái định cư đảm bảo an toàn tính mạng, an sinh xã hội, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Quang Trung