Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi kỳ vọng, với việc thí điểm Nghị quyết 98 sẽ giải quyết tồn đọng cho những dự án đang dang dở trên địa bàn.
Đó là một trong các nội dung mà Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh – Ông Phan Văn Mãi trong buổi họp thông tin, triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh cho lãnh đạo các cơ quan báo chí khu vực phía Nam, vừa diễn ra chiều qua ngày 13/7/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, Nghị quyết 98/2023/QH15 bao gồm: 44 cơ chế chính sách với 07 lĩnh vực. Trong đó, có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội; 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh được áp dụng. Trong cơ chế chính sách mới, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông được kỳ vọng giúp TP. Hồ Chí Minh tận dụng được không gian dọc các Metro, đường vành đai 3, cơ chế này cho phép thành phố sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Đặc biệt Nghị quyết 98 cho phép thành phố mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức công – tư PPP đối với các dự án lĩnh vực thể thao, văn hoá. UBND quận được bố trí khoản chưa phân phối 2 – 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán…
“Nếu thành phố làm tốt sẽ thu hút hàng trăm tỷ đồng đầu tư. Nếu làm tốt khai thác dọc xung quanh các ga, cách tuyến Metro và dọc đường vành đai 3 thì số tiền là rất lớn. Đây cần cả một quá trình, đâu đó 2025 một phần, 2030 một phần…Những công trình giao thông bố trí hợp lý sẽ làm phát triển nền kinh tế…”, ông Phan Văn Mãi nói.
Cũng theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) thì riêng đối với ngành giao thông đã có Tổ tạo quỹ đất và nguồn lực từ TOD dọc đường vành đai 3 và tuyến metro. Đồng thời, Sở GTVT TP và Ban giao thông cũng đã được giao phối hợp lập dự án tiền khả thi, mời gọi đầu tư cho những dự án được ứng dụng cơ chế mới của NQ 98. NQ 98 sẽ là một cánh cửa mở ra, là một cầu nối đón được dòng vốn từ xã hội đầu tư cho hạ tầng giao thông. Bởi lẽ hiện nay bài toán cân đối nguồn vốn cho hạ tầng giao thông vẫn đang phải trông cậy đến 50% từ nguồn lực xã hội. Cơ chế mới là sự cụ thể hóa, biến nguồn lực thành hiện thực và là cách xã hội hóa từ nguồn vốn, nhân lực trong tương lai.
Theo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2023 chưa huy động được các nguồn lực xã hội, giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách TP còn hạn chế (bố trí khoảng 75.760 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 28,5% nhu cầu), chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2021-2023, thành phố đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 công trình, dự án như cầu Thủ Thiêm 2, đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký, đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Bưng, cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè…, góp phần kéo giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông tại khu vực. Sở GTVT cũng cho biết các hình thức đầu tư khác (hợp đồng BT, BOT…) trong giai đoạn 2021-2023 chưa huy động được các nguồn lực xã hội, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trong thời gian tới, đối với các dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu, hiện Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đang chủ trì, Ban giao thông đang phối hợp xây dựng nghiên cứu tiền khả thi, mời gọi đầu tư với hàng loạt dự án như Quốc lộ (QL) 22, QL 13, cầu đường Bình Tiên… Các dự án này sẽ được đầu tư trên đường hiện hữu, nếu mời gọi đầu tư thuận lợi sẽ huy động được khoảng 21.000 tỉ đồng…
Uyển Nhi