Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu về mức lương làm việc của người lao động tại TP.HCM trong năm 2024 có sự phân bổ rõ rệt. Trong đó, nhóm lao động mong muốn mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng chiếm 41,15%, đây là mức lương phổ biến nhất trên thị trường lao động hiện nay.
Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng chiếm 11,65%, trên 15-20 triệu đồng/tháng chiếm 26,25%, và trên 20 triệu đồng/tháng chiếm 19,89%.
Các vị trí tuyển dụng phổ biến ở mức lương này gồm nhân viên kiểm định chất lượng, bác sĩ đa khoa, nhân viên y tế, nhân viên nhân sự, nhân viên logistics, kỹ thuật viên thẩm mỹ, và các vị trí quản lý như quản lý kho, quản lý nhà hàng, trợ lý văn phòng. Ngược lại, nhóm lao động yêu cầu mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chủ yếu là lao động phổ thông hoặc những người tìm việc làm bán thời gian, chiếm khoảng 1,06%.
Cũng theo khảo sát, lực lượng lao động tại TP.HCM năm 2024 ước tính đạt khoảng 4,87 triệu người, tăng 0,63% so với năm trước. Trong đó, lao động nam chiếm 53,5% và lao động nữ chiếm 46,5%. Đặc biệt, khu vực thành thị chiếm đa số với 77,86% lực lượng lao động, trong khi khu vực nông thôn chỉ chiếm 22,14%. Các ngành kinh tế có tỷ lệ lao động cao nhất là dịch vụ (68,04%), công nghiệp và xây dựng (30,73%), và nông nghiệp (1,23%).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các ngành có lao động làm việc, với 25,91%. Theo sau là bán buôn và bán lẻ (24,97%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (11,83%), vận tải và kho bãi (7,07%), xây dựng (5,78%) và giáo dục đào tạo (3,7%). Hình thức lao động chủ yếu là làm công ăn lương, chiếm 68,75%, trong khi lao động tự do chiếm 21,57% và lao động gia đình chiếm 7%.
Về chính sách đãi ngộ, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM áp dụng thưởng Tết Dương lịch (17,71%), thưởng Tết Nguyên đán (25,15%), và thưởng các ngày lễ lớn trong năm (17,20%). Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn tặng quà sinh nhật, hỗ trợ tiền thăm bệnh, mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và thưởng năng suất.
Nhìn về năm 2025, TP.HCM dự báo cần khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc, chủ yếu tập trung ở các ngành dịch vụ (67,7%) và công nghiệp – xây dựng (31,8%). Lực lượng lao động trong các ngành chế biến, chế tạo và bán buôn, bán lẻ dự kiến vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu lao động.
Bức tranh thị trường lao động TP.HCM cho thấy sự phân hóa rõ rệt về mức lương và nhu cầu nhân lực, đồng thời phản ánh những cơ hội lớn đối với các ngành dịch vụ và công nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đô thị.
Bảo Minh