Việc mở cửa trường học an toàn một cách an toàn vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc khi nhiều học sinh mắc COVID-19 khiến phụ huynh lo lắng. Làm sao để con vui, khỏe, không “xa lánh” bạn F0 nhưng cũng không chủ quan lơ là phòng tránh dịch?
Lo ngại khi số ca mắc của trẻ em tăng
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tỉ lệ mắc Covid-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương hơn 490.000 trẻ. Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc Covid-19 tử vong, chiếm 0,42% so với số tử vong chung. Qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, di chứng cấp tính của Covid-19, thậm chí có những trường hợp viêm đa cơ quan.
Các chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc Covid-19 sẽ tăng cao. “Do đó, việc bảo đảm an toàn dịch bệnh ở trường học rất quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương cần sắp xếp nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng dịch” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Về tình hình mắc Covid-19 của trẻ em tại TP HCM, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định đến ngày 7/2, trong tổng số 516.163 ca mắc, có 32.429 F0 từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong).
Cần làm gì khi lớp con có F0?
Gần đây, số trẻ em mắc COVID-19 trong trường học có dấu hiệu gia tăng khiến phụ huynh lo lắng. Làm sao chăm sóc sức khỏe và tâm lý trẻ ra sao để con vui, khỏe, không “xa lánh” bạn F0 nhưng cũng không chủ quan lơ là trong việc phòng chống dịch? Theo ghi nhận nhanh, thường thấy phụ huynh sẽ lo lắng hơn là trẻ. Còn các bé, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 12 tuổi, trẻ không quá lo lắng về bệnh tật vì chưa có ý thức về việc nhiễm bệnh như thế nào.
Tuy hầu hết trẻ không quá lo về việc nhiễm bệnh, nhưng cũng có một số trường hợp trẻ bị áp lực về tâm lý, tự ám thị bản thân mắc bệnh. Trẻ sẽ tự thấy mình mệt, sốt, mất vị giác… dù những triệu chứng này không có thật. Trong trường hợp này, phụ huynh nên bình tĩnh, xét nghiệm cho con, nếu con không mắc COVID-19 thì tiếp tục theo dõi đến hết thời gian cách ly và xét nghiệm lại cho con.
Trường hợp trẻ nhiễm bệnh, phụ huynh cần chia sẻ, động viên, trở thành bạn đồng hành với con trong thời gian con cách ly tại nhà (trong trường hợp trẻ thuộc diện được cách ly và theo dõi tại nhà). Ví dụ: “gia đình chúng ta cùng đồng hành để chiến thắng COVID-19, con chỉ cần ăn uống đầy đủ, tập thể dục và nếu có thay đổi gì trong cơ thể hãy chia sẻ với bố mẹ để bố mẹ biết. Bố mẹ luôn ở bên con, bạn bè thầy cô mong con khoẻ,… luôn tạo động lực giúp con mau khỏi bệnh” – chị N.T.Luyến ngụ Q.7 chia sẻ.
Phụ huynh cũng nên chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi quay trở lại học, không nên kỳ thị hay xa lánh các bạn F0. Bố mẹ cần hướng dẫn trẻ giữ khoảng cách, thực hiện tốt 5K. Phụ huynh chia sẻ với các bé: “Con không được kỳ thị bạn, bởi nếu như vậy bạn sẽ rất buồn. Không may bố mẹ hay người thân trong nhà mắc COVID-19 thì hành động kỳ thị của con cũng sẽ khiến bố mẹ cảm thấy tổn thương”- anh T.V.Huân ngụ Q.Bình Tân nói.
Về việc theo dõi sức khỏe và xét nghiệm cho trẻ là F1, phụ huynh chỉ cần test khi trẻ có biểu hiện sốt, sổ mũi, ho. Việc thực hiện test nhanh cho trẻ giúp phát hiện sớm nếu trẻ mắc COVID-19 để chủ động cách ly, theo dõi và điều trị. Nếu phụ huynh test nhanh ngay khi trẻ được xác định là F1 và kết quả âm tính sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, không thực hiện cách ly theo quy định, vẫn để trẻ tiếp xúc với gia đình (trường hợp trẻ ủ bệnh 2-3 ngày thì khả năng gia đình bị lây nhiễm là khó tránh).
Khi trẻ không có triệu chứng thì vẫn chỉ theo dõi, cách ly trẻ. Chúng ta chỉ cần nghiêm túc thực hiện cách ly, khuyến cáo 5K để chăm sóc trẻ. Không cần test nhanh định kỳ thường xuyên sẽ khiến trẻ bị đau và khó chịu.
Ngoài ra, phụ huynh cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tập thể dục thể thao và mặc ấm cho trẻ trong thời tiết lạnh để tránh các bệnh liên quan đến hô hấp khác,… Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung dinh dưỡng, ăn ngủ khoa học, tập luyện thể thao, tránh thừa cân béo phì. Ngoài ra, cần kiểm soát tốt các bệnh mạn tính, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống và học tập.
Cần chú ý vệ sinh bàn tay cho trẻ và sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác. Đồng thời hướng dẫn, tập luyện thường xuyên các biện pháp phòng chống cho trẻ khi tham gia học tập sinh hoạt tại trường và nơi công cộng.
Quang Trung