13/04/2022 8:58:43

TP. HCM: Đẩy mạnh thông tin Chương trình bình ổn thị trường 2022

Sau khi Sở Công thương TP.HCM triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 – Tết Quý Mão 2023, bắt đầu từ 04/04/2022, ngày 11/4 Sở Thông tin và Truyền thông TP cũng đề nghị UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, các cơ quan báo chí và Trung tâm báo chí TP đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chương trình này.

Gần 70 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường

Điểm mới của Chương trình năm nay thể hiện qua việc chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua các hình thức: Cung ứng hàng hóa; Phân phối hàng hóa; Hỗ trợ tín dụng.

Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 – Tết Quý Mão 2023 có sự tham gia của gần 70 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp so năm 2021. Năm nay một số đơn vị lớn đã lần đầu tham gia như Cholimex, TH True Milk và nhiều đơn vị chủ lực về hoạt động phân phối là Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25… tiêu biểu với 10 nhóm hàng gồm lương thực (gạo, mì gói, bún miến khô…); đường; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị. Bình thường, lượng hàng bình ổn thị trường nhóm mặt hàng này chiếm từ 25-33% nhu cầu thị trường. Riêng giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35-50% nhu cầu thị trường.

Nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng (đồng phục, tập học sinh, cặp, giày dép,…) có 11 doanh nghiệp tham gia với lượng hàng cung ứng chiếm từ 35-50% nhu cầu thị trường.  Nhóm mặt hàng sữa cũng có 7 doanh nghiệp tham gia cung ứng sữa bột và sữa nước các loại, trong đó có nhiều doanh nghiệp chiếm thị phần lớn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhóm mặt hàng phục vụ người dân phòng chống dịch COVID-19  có sự tham gia của 4 doanh nghiệp với hai nhóm hàng là khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) và nước rửa tay kháng khuẩn.

Doanh nghiệp tham gia bình ổn được tiếp cận gói ưu đãi

Mới đây, trước tác động của giá xăng dầu lên hàng hóa thị trường, người dân và cả doanh nghiệp sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất để giữ giá thành sản phẩm, nhằm đảm bảo sức mua và quyền lợi người tiêu dùng.  Bởi vì khi giá cả tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mua từ đó sẽ tác động ngược lại việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp.

Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 hướng đến đẩy mạnh các giải pháp thực hiện, bên cạnh việc tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung trọng tâm như kết nối cung – cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường…

Các Doanh nghiệp có thể tham gia một hoặc nhiều hình thức như cung ứng hàng hóa; tham gia phân phối hàng hóa. Điều kiện đối với Doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa phải có năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình. Có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Khi tham gia chương trình bình ổn, các Doanh nghiệp sẽ được ưu tiên kết nối ngân hàng, tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi để vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường. Được hỗ trợ, tư vấn tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa các mặt hàng bình ổn thị trường; hỗ trợ liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp… để ứng vốn, hợp tác sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tại TP.HCM và các tỉnh, thành.

Đối với Doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hóa phải đáp ứng điều kiện về công tác tổ chức và vận hành hệ thống mạng lưới điểm bán hàng hoạt động ổn định trên địa bàn TP.HCM; có tối thiểu hai siêu thị hoặc 12 cửa hàng trở lên; có hợp đồng phân phối hàng bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng liên tục, ổn định.

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp cũng được hỗ trợ kết nối, giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường, có thể cung ứng hàng hóa bình ổn đến những nơi có nhu cầu như chợ truyền thống, bệnh viện, trường học,…trên địa bàn thành phố.

Quang Trung