06/08/2020 11:24:54

Tp.HCM: Công nhân “thắt lưng buộc bụng” mùa Covid-19

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, nhiều công nhân lo lắng còn có thể tiếp tục công việc đến khi nào, thu nhập sắp tới sẽ ra sao… Họ không biết làm gì hơn ngoài việc tự mình “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi tiêu.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Đợt dịch covid-19 đầu tiên diễn ra hồi đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế, doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể; công nhân, người lao động mất việc làm…

Thu nhập giảm vì dịch covid-19 khiến bữa cơm công nhân ngày càng đạm bạc (Ảnh minh họa)

Sau khoảng 3 tháng không có ca nhiễm mới, cuộc sống đang dần ổn định trở lạị thì gần 2 tuần qua, thông tin dịch Covid-19 tái bùng phát khiến số đông công nhân hết sức lo lắng. “Đơn hàng của doanh nghiệp vừa ổn định trở lại được hơn 1 tháng thì dịch quay trở lại. Việc làm, thu nhập không ổn định như thế này, chắc chắn đời sống công nhân sẽ khó khăn gấp bội” – chị Phạm Thị Thu (39 tuổi, quê ở Long An, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam) chia sẻ.

Nhiều công nhân chọn mang cơm đi làm thay vì bữa ăn hàng để giảm chi phí (Ảnh minh họa)

Đợt dịch trước, cùng với nhiều đồng nghiệp khác, chị Thu phải tạm nghỉ việc 2 tháng do công ty không có đơn hàng. Thời điểm ấy, cuộc sống vợ chồng chị hết sức chật vật bởi thu nhập giảm sút. Chồng chị chạy xe ôm, do ít khách nên thu nhập thất thường. Dịch tái bùng phát trong lúc con gái lớn sắp thi tốt nghiệp THPT, ba mẹ già ở quê đau ốm thường xuyên nên cả vợ chồng chị sống trong tâm trạng bất an. “Tôi cũng còn may mắn bởi nhiều đồng nghiệp mất việc trước đó đến giờ vẫn chưa có việc làm” – chị Thu cho biết thêm.

Đó cũng tâm trạng của chị Phan Thị Ngọc Tím (36 tuổi, quê Hậu Giang), công nhân Công ty TNHH May Thêu M.D.K (quận 12, TP HCM). Thông tin một số doanh nghiệp rục rịch cắt giảm lao động do khan hiếm đơn hàng khiến những công nhân lớn tuổi hết sức lo lắng. “Sẽ không dễ dàng gì tìm được việc mới, đặc biệt là đối tượng công nhân lớn tuổi nằm trong diện bị cắt giảm. Các doanh nghiệp giờ chỉ tuyển người trẻ, khỏe, do vậy cơ hội việc làm đối với công nhân lớn tuổi gần như là con số 0” – chị Tím bộc bạch.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, buộc phải giảm giờ làm hoặc bố trí cho lao động nghỉ luân phiên. Việc làm không ổn định khiến thu nhập công nhân giảm sút và cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Anh Huỳnh Quốc Linh (30 tuổi), công nhân một công ty tại KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết lo ngại mất việc do dịch bệnh nên trước mắt anh và nhiều đồng nghiệp chọn cách ở ghép để tiết kiệm chi phí.

Tháng trước, vợ anh là công nhân làm việc tại KCN Sóng Thần I (tỉnh Bình Dương) bị mất việc do công ty cắt giảm lao động. Toàn bộ chi phí sinh hoạt trong nhà phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập ít ỏi của anh, do vậy cuộc sống hết sức chật vật. “Dịch bệnh lan rộng thì đời sống thêm khó khăn. Chỉ mong dịch sớm được khống chế để công nhân được ổn định việc làm thu nhập” – anh Linh bày tỏ.

Thiếu trước hụt sau – Bữa cơm càng trở nên đơn điệu

Trong những ngày này, râm ran ở các khu nhà trọ công nhân vẫn là việc làm, thu nhập. Nhiều người lo lắng tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường sẽ khiến họ thêm khó khăn. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân cho biết để vượt qua giai đoạn khó khăn này, lựa chọn duy nhất là tiết kiệm tối đa.

Bắt đầu từ những bữa ăn, nhiều người đã chủ động hạn chế ăn thịt heo, thay vào đó là trứng hoặc cá, tăng cường khẩu phần rau, củ, quả; giảm tối đa các bữa ăn phụ, ăn vặt không cần thiết. Một số người đi làm còn mang theo cơm hộp dự trữ, vừa không phải ra ngoài tiếp xúc với nhiều người vừa bảo đảm chất lượng và hợp khẩu vị. Chị Trần Kiều Hạnh (26 tuổi), Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (KCN Tân Bình) cho biết, trước dịch Covid-19 bùng phát, nếu có tăng ca, thu nhập của chị từ 6 – 10 triệu đồng/tháng.

Vài tháng qua, do việc làm ít nên thu nhập sụt giảm, chỉ còn hơn 5 triệu đồng/tháng. “Mức thu nhập như vậy là không đủ chi trả các khoản tiền trọ, điện, nước, ăn uống, sinh hoạt. Nếu không chi tiêu tằn tiện, cuộc sống sẽ thiếu trước hụt sau” – chị Hạnh lo lắng.

Nếu như vài tháng trước, thu nhập ổn định còn được nồi thịt kho, con cá thì nay bữa cơm chỉ còn bìa đậu, bó rau, quả trứng, tất cả không quá 15.000 đồng. Bà Lê Ngọc Nga (53 tuôi, quê ở Tiền Giang, công nhân một doanh nghiệp tại KCN Tân Tạo) chia sẻ: “Giờ khó khăn lắm! Bình thường đi chợ 100.000 đồng/ngày, nay phải 120.000 – 130.000 đồng. Giá cả tăng trong khi thu nhập giảm khiến bữa cơm công nhân ngày càng đơn điệu, thiếu chất dinh dưỡng. Nói chung là phải tiết kiệm, nếu không thì khốn khó trăm bề”. Tương tự, hơn 2 tháng qua, vợ chồng anh Huỳnh Hữu Tuấn, công nhân KCN Tân Tạo, cũng chủ động cắt giảm chi phí sinh hoạt, chỉ thực sự chi cho những nhu cầu cần thiết.

Bữa ăn sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày, thế nhưng, anh Trần Khoa (19 tuổi; công nhân Công ty CP cơ điện lạnh Đại Việt, quận Tân Phú) chỉ dám mua vài củ khoai hoặc hấp lại cơm và đồ ăn cũ cho qua bữa. “Ăn tạm cho có sức làm việc, bây giờ cái gì cũng phải tiết kiệm, bởi không biết dịch còn diễn biến và tác động đến việc làm, đời sống của chúng tôi đến mức nào” – anh Khoa cho biết.

Minh Khôi (Tổng hợp)