14/07/2020 2:38:57

Tốt nghiệp lớp 9 học lên cao đẳng – Lợi ích của Chương trình 9+

Ngay sau khi tốt nghiệp lớp 9, học sinh có thể học luôn vào hệ trung cấp và cao đẳng nghề, 3 năm sau vừa có bằng PTTH vừa có bằng cao đẳng nghề. Nếu muốn có thể học liên thông lên đại học, hoặc đi làm và đặc biệt toàn bộ chương trình đào tạo được nhà nước miễn toàn bộ học phí. Đây là lợi thế của Chương trình đào tạo nghề 9 + đang thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh.

Học sinh chương trình 9+ trường CĐ Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc)

Học 3 năm, được 3 bằng

Chương trình 9+ là hình thức học văn hoá rút gọn 7 môn song song với học nghề nghiệp. Học sinh tốt nghiệp THCS theo học chương trình 9+ có thể rút ngắn thời gian đào tạo bằng việc học song song học văn hóa và học nghề mà mình yêu thích..

Nếu theo tiến trình bình thuờng 18 tuổi các em mới tốt nghiệp THPT, 22 tuổi tốt nghiệp ĐH thì ngay từ khi học xong lớp 9 theo chương trình 9+, 1 – 2 năm sau các em sẽ được cấp bằng trung cấp nghề theo luật quy định sẽ cùng lúc có thể học cả văn hóa học cả học nghề.

Sau đó nếu học thêm 1 -2 năm nữa sẽ có bằng CĐ khi các em thi đủ và đảm bảo được khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thậm chí có thể học liên thông lên đại học khoảng 1,5 năm. Như vậy ở tuổi 18-19 học sinh có thể hoàn thành chương trình học, có bằng TC-CĐ thậm chí ĐH để gia nhập thị trường lao động sớm hơn.

Lợi thế của chương trình đã tạo ra môi trường học tập vừa học, vừa làm, tri thức và kỹ năng song hành đã giúp nhiều học sinh thích thú, không bị áp lực học riêng về văn hóa với khối lượng kiến thức nặng nề ở bậc THPT. Đặc biệt, khi học sinh tiếp cận chương trình học nghề, không chỉ được đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, mà các em còn  được đào tạo các kỹ năng mềm như học tiếng Anh, học tác phong làm việc cũng như văn hóa doanh nghiệp….

Học sinh chương trình 9+ CĐ Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc)

Ghi nhận của phóng viên Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống ở một số  cơ sở GDNN cho thấy, Chương trình 9+  đang thu hút  các em học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế gia đình  eo hẹp, hoặc với những học sinh không hứng thú với việc học chương trình văn hóa nặng nề với khối lượng kiến thức lớn như chương trình THPT.

Em Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 2003) học sinh năm thứ 2- lớp 11 của Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp (cho biết: “ Em chọn nghề Điện tử- Điện lạnh và học chương trình 9+ tại trường này bởi sự tác động của gia đình, bản thân em cũng rất thích nghề này. Sở dĩ không học tiếp lên THPT vì em thấy chương trình 9+ không có sự khác biệt lớn so với học chương trình THPT.

Trong khí đó, môi trường học chương trình 9+ lại được học thêm nghề em cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều so với học chương trình THPT thông thường, không bị áp lực quá nhiều bài vở và quan trọng hơn em có thể đi làm sớm để lo cho bản thân, giảm bớt nỗi lo của bố mẹ về cơ hội việc làm sau này. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ tiếp tục học liên thông lên Cao đẳng để có thêm kỹ năng nghề. Em hy vọng khi đi làm em sẽ đạt được mức lượng 8-10 triệu/ tháng”.

Em Nguyễn Văn Thanh( 2002), Khoa Công nghệ ô tô năm cuối Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho  biết: “ Trải qua quá trình học tập tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, em thấy sự lựa chọn của mình khi học chương trình 9+ hoàn toàn phù hợp với bản thân, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Em nghĩ có niềm đam mê thì học bất cứ nơi đâu, ngành gì cũng thành công mà không nhất thiết chọn học  THPT rồi lại lên Đại học. Nhà trường cùng doanh nghiệp đào tạo đã giúp chúng em có môi trường học tập gắn với thực hành rất bổ ích, ra trường sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm việc, sau này em có điều kiện hơn sẽ tiếp tục học lên Cao đẳng”.

Được miễn toàn bộ học phí, có việc làm ngay

Đặc biệt nữa là học sinh học chương trình này được Nhà nước ưu đãi với cơ chế miễn toàn bộ học phí khi học trung cấp nghề. Đối với việc các em học liên thông lên Cao đẳng, các trường cũng đang tính toán giảm một phần học phí, nhằm khuyến khích, thu hút các em học nâng cao trình độ kỹ năng nghề, từ đó đáp ứng nhiều hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có “sức hút” nguồn tuyển lớn với đối tượng học 9+, có thể kể đến: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội, Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Thủ Đức, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa…. Hàng năm, các trường này thu hút khoảng từ 600- 800 học sinh trên địa bàn theo học.

Học sinh chương trình 9+ CĐ Cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc

Hầu hết các trường đào tạo hệ Cao đẳng nghề gì, là hệ trung cấp có nghề đó với khoảng trên 20 nghề… Vậy nên, học sinh thỏa sức lựa chọn  nghề phù hợp với bản thân, cũng như đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động khi tốt nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang làm rất tốt công tác liên kết đào tạo cùng các doanh nghiệp, đảm bảo cam kết có việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp chương trình này.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Chương trình 9+ tại Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp hàng năm thu hút từ 800- 1000 học sinh về đăng ký nhập học. Nhà trường còn đào tạo kỹ năng chuyên môn ở các nghề cho các em học sinh thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang… Học sinh theo học chương trình này khi ra trường rất yên tâm có việc làm ngay.

Các nghề đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo hệ trung cấp trong chương trình 9+,  là những nghề rất “hot” đón đầu nhu cầu thị trường lao động như: Công nghệ thông tin, Điện tử- Điện lạnh, Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cơ khí, Cắt gọt kim loại. Theo thống kê sơ bộ từ các trường đào tạo theo mô hình 9 +, có khoảng 70-80% các em sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và nhu cầu đi làm ngay. Khoảng 20-30% các em tiếp tục học liên thông lên Cao đẳng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, bên cạnh lựa chọn phát triển theo con đường THPT, nhiều em học sinh tốt nghiệp THCS rất có thể phù hợp với lựa chọn học hệ trung cấp và cao đẳng. Điều này dựa vào sự đánh giá trung thực về năng lực cá nhân và định hướng nghề nghiệp.Thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây.

Theo thống kê sơ bộ từ các trường đào tạo theo mô hình 9 +, có khoảng 70-80% các em sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và nhu cầu đi làm ngay. Khoảng 20-30% các em tiếp tục học liên thông lên Cao đẳng.

Phương Anh