29/09/2020 9:17:10

Tổng thống Donald Trump “né thuế” nhờ “sự trợ giúp” của người nhà?

Tuyên bố có được hồ sơ thuế của Tổng thống Trump trong vòng hơn 2 thập kỷ, New York Times (NYT) cho rằng ông liên quan đến hàng loạt khoản xóa nợ lớn, cuộc chiến kiểm toán và những xung đột lợi ích giữa một doanh nhân và một tổng thống.

Theo điều tra của NYT, Tổng thống Mỹ “chỉ trả 750 USD tiền thuế thu nhập liên bang vào năm ông đắc cử tổng thống”, và “trong năm đầu tiên ở Nhà Trắng, ông cũng trả thêm 750 USD”.

“Các khoản thuế của Trump cho thấy những khoản lỗ kinh niên và nhiều năm tránh thuế”, là tiêu đề bài báo.

Hồ sơ thuế của tổng thống từ lâu đã trở thành mục tiêu của các báo cáo chính trị Hoa Kỳ. Theo NYT, ông đã không phải trả thuế thu nhập trong nhiều năm (11 trong số 18 năm mà các phóng viên kiểm tra) – phần lớn là do báo cáo thua lỗ, mất nhiều tiền hơn số tiền kiếm được. Nhiều cơ sở kinh doanh của ông, bao gồm cả các sân golf, đều báo cáo các khoản lỗ tài chính đáng kể.

Ông Trump được cho là đã nhận 5% cổ phần công ty mới khi sòng bạc Atlantic City phá sản năm 2009.

NYT cũng báo cáo rằng ông Trump sở hữu tài sản trị giá hàng trăm triệu USD, nhưng họ không tiết lộ tài sản thực sự của ông. Họ cũng không tiết lộ bất kỳ mối liên hệ nào từng được báo cáo trước đây về quan hệ tài chính giữa ông Trump với Nga.

Tại cuộc họp báo vào Chủ Nhật (27/9), ông Trump cáo buộc đây là những âm mưu chống lại ông, bác bỏ báo cáo của NYT, nói đó là “tin tức hoàn toàn giả mạo”. Ông nói: “Chúng tôi đã trải qua những câu chuyện tương tự, bạn có thể đã hỏi tôi những câu hỏi tương tự cách đây 4 năm, tôi từng phải đi kiện và giải thích về nó”.

“Hoàn toàn là tin giả. Trên thực tế, tôi đã nộp thuế”. Ông cho biết thêm cơ quan thuế vụ Mỹ (IRS) đã “không đối xử tốt” với mình.

NYT cũng cho biết ông Trump sử dụng “các biện pháp đáng ngờ” để giảm hóa đơn thuế của mình. Ông có thể phải đối mặt với khoảng hơn 100 triệu USD tiền phạt và tiền hoàn thuế nếu thua trong cuộc chiến kiểm toán kéo dài một thập kỷ với cơ quan thuế. Cuộc chiến nhắm vào tính hợp pháp của khoản hoàn thuế 72,9 triệu USD mà ông đề nghị và đã nhận được, sau khi tuyên bố thua lỗ triền miên.

Trump là tổng thống đầu tiên kể từ những năm 1970 giấu kín hồ sơ thuế, theo NYT.

Thành công về mặt tài chính của chương trình “The Apprentice”, gắn liền với MC Donald Trump, có lẽ là khoản thu khiến ông phải đóng nhiều thuế nhất trong cuộc đời của ông.

Eric, Ivanka và Donald Trump Jr. cùng cha mình trong lễ công bố dự án khách sạn ở Vancouver năm 2013. Ảnh: AP.

Theo NYT, các hồ sơ bí mật cho thấy bắt đầu từ năm 2010, ông Trump đã khai và nhận được khoản hoàn thuế thu nhập tổng cộng 72,9 triệu USD – cho tất cả thuế thu nhập liên bang mà ông đã trả từ năm 2005 đến năm 2008, cộng với tiền lãi.

Tính hợp pháp của khoản hoàn trả đó là trung tâm của cuộc chiến kiểm toán đang diễn ra giữa ông với sở thuế vụ. Ông cũng nhiều lần gián tiếp viện dẫn đây là lí do ông không công khai các hồ sơ thuế.

Trọng điểm cuộc chiến này là một tuyên bố thua lỗ hơn 700 triệu USD. Các tài liệu mà NYT thu được không xác định doanh nghiệp nào tạo nên khoản thua lỗ này.

Nhưng các trường hợp thua lỗ chỉ được hoàn thuế khi nhà đầu tư từ bỏ lợi ích của mình trong doanh nghiệp. Nếu nhà đầu tư chia tay doanh nghiệp mà không có lợi ích gì, họ có thể tuyên bố các khoản thua lỗ đã không được sử dụng để hoàn thuế trong những năm trước. Nhưng nếu nhà đầu tư vẫn nhận quyền lợi từ doanh nghiệp, khoản thua lỗ được cho phép tuyên bố sẽ giảm xuống chỉ còn 3.000 USD một năm.

Và ông Trump được cho là đã nhận 5% cổ phần công ty mới khi sòng bạc Atlantic City phá sản năm 2009, phù hợp với khoảng thời gian ông khai nhận khoản hoàn thuế 72,9 triệu USD.

Như vậy, nếu các nhà kiểm toán tuyên bố khoản hoàn thuế này là bất hợp pháp, ông Trump sẽ phải trả lại khoản tiền này, kèm theo lãi và tiền phạt nếu có, tổng cộng có thể lên đến hơn 100 triệu USD.

“Phí tư vấn” đáng ngờ

Kiểm tra hồ sơ thuế của tập đoàn Trump Organization, New York Times phát hiện một mô thức đáng chú ý: Từ năm 2010 đến năm 2018, ông Trump đã xóa (write off) khoảng 26 triệu USD “phí tư vấn” không được giải thích, xem đây là chi phí kinh doanh cho gần như mọi dự án của mình.

Trong hầu hết trường hợp, khoản phí này bằng 1/5 thu nhập của ông: Ở Azerbaijan, ông Trump thu về 5 triệu USD từ một hợp đồng khách sạn và báo cáo 1,1 triệu USD phí tư vấn, trong khi ở Dubai là 3 triệu USD với khoản phí 630.000 USD…

Mô thức này, được New York Times gọi là “giải pháp 20%”, là một trong những phát hiện mà tờ báo tiết lộ trong bài điều tra gây chấn động được đăng hôm 27/9, dựa trên hồ sơ thuế bí mật của ông Trump.

Điều tra cho thấy trong 15 năm trước năm 2016, có đến 10 năm Tổng thống Donald Trump không đóng thuế thu nhập nhờ khai báo thua lỗ.

“Giải pháp 20%” được cho là cách mà ông Trump đã áp dụng để giảm tiền thuế phải đóng, thông qua việc trả phí cho các “tư vấn viên” không rõ danh tính. Một số khoản “phí tư vấn” này khớp với các khoản tiền mà con gái ông, Ivanka Trump, nhận được và từng khai báo.

Các khoản thanh toán lớn bí ẩn trong giao dịch kinh doanh có thể là dấu hiệu của rắc rối, đặc biệt là ở những nơi hối lộ hoặc hoàn lại tiền cho người trung gian xảy ra thường xuyên.

Song không có bằng chứng cho thấy ông Trump, người chủ yếu bán tên mình cho các dự án khác và không tham gia vào việc đảm bảo sự chấp thuận của chính phủ, tham gia vào các hoạt động như vậy.

Thay vào đó, dường như có cách giải thích dễ hiểu hơn cho ít nhất một vài khoản phí trong số đó: Ông Trump giảm thu nhập chịu thuế bằng cách coi thành viên trong gia đình là tư vấn viên, và sau đó khấu trừ khoản phí này như chi phí kinh doanh.

Các “tư vấn viên” không được nêu tên trong hồ sơ thuế. Song bằng chứng về sự sắp xếp này đã được thu thập bằng cách so sánh hồ sơ thuế của ông Trump với tờ khai tài chính mà Ivanka Trump, con gái ông, nộp khi cô gia nhập Nhà Trắng vào năm 2017.

Trong tờ khai, Ivanka Trump cho biết cô đã nhận được các khoản thanh toán từ một công ty tư vấn mà cô đồng sở hữu, tổng cộng là 747.622 USD, vừa khớp với tổng tiền phí tư vấn mà Trump Organization nói là khoản khấu trừ thuế cho các dự án khách sạn ở Vancouver và Hawaii.

Bất động sản Seven Springs ở Quận Westchester, N.Y.

Ivanka Trump từng làm quản lý tại các công ty của ông Trump nhận lợi nhuận từ cả hai dự án, đồng thời trả phí tư vấn cho cả hai dự án này. Điều này có nghĩa là cô dường như đã được coi là tư vấn viên trong chính các giao dịch khách sạn mà cô đã tham gia quản lý như một phần công việc của mình tại doanh nghiệp của cha cô.

Khi được hỏi về sự sắp xếp này, luật sư của Trump Organization, Alan Garten, không đưa ra bình luận.

Người sử dụng lao động có thể khấu trừ phí tư vấn như chi phí kinh doanh và cũng tránh được các khoản thuế khấu trừ áp dụng cho tiền lương.

Để yêu cầu khấu trừ, thỏa thuận tư vấn phải là một phần “thông thường và cần thiết” trong việc điều hành doanh nghiệp, với các khoản phí hợp lý và dựa trên thị trường, theo Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS). Người nhận khoản phí vẫn phải đóng thuế thu nhập.

IRS đã theo đuổi hình phạt dân sự đối với một số chủ sở hữu doanh nghiệp tìm cách trốn thuế bằng cách trả phí cao cho các bên liên quan mà trên thực tế không phải là đối tác độc lập.

Một vụ kiện tại tòa án thuế năm 2011 tập trung vào việc IRS bác bỏ khoản khấu trừ gần 3 triệu USD cho phí tư vấn mà các đối tác trong một công ty kế toán ở Illinois đã tự thanh toán thông qua các công ty mà họ tạo ra. Tòa kết luận rằng các đối tác đã tạo ra các khoản phí để “phân chia lợi nhuận, không phải để bồi thường cho các dịch vụ”.

Không có dấu hiệu cho thấy IRS nghi vấn về hành vi khấu trừ hàng triệu USD phí tư vấn của ông Trump. Nếu các khoản thanh toán cho con gái ông là tiền thù lao cho công việc, thì không rõ tại sao ông Trump lại làm theo cách này, ngoài mục đích giảm bớt nghĩa vụ thuế của chính mình.

Một khả năng khác, nguy hiểm hơn về mặt pháp lý, là các khoản phí này là cách để ông Trump chuyển tài sản cho con cái của ông mà không phải chịu thuế quà tặng.

Ivanka Trump là con gái lớn nhất của ông Trump, trở thành cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng khi cha cô trở thành tổng thống. Ảnh: New York Times.

Một điều tra của New York Times vào năm 2018 phát hiện rằng người cha quá cố của ông Trump, Fred Trump, đã áp dụng những cách cách thức đáng ngờ về mặt pháp lý từ nhiều thập kỷ trước để trốn thuế quà tặng đối với hàng triệu USD mà ông chuyển cho các con của mình.

Song từ bộ hồ sơ thuế mới này, không thể biết được rằng liệu việc điều động tài chính trong nội bộ gia đình có phải là yếu tố thúc đẩy hay không.

Tuy nhiên, thực tế rằng một số khoản phí tư vấn giống với các khoản tiền mà con gái ông Trump báo cáo đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là cơ chế mà tổng thống đã sử dụng để trả lương cho những người con tham gia vào công việc kinh doanh của ông hay không.

Quả thật, trong một số trường hợp các khoản phí lớn được kê khai, những người có hiểu biết trực tiếp về các dự án không biết về bất kỳ tư vấn viên bên ngoài nào được trả tiền.

Về thương vụ khách sạn thất bại ở Azerbaijan, vốn bị cản trở bởi nghi ngờ tham nhũng, một luật sư của Trump Organization nói với New York Times rằng tập đoàn không có trách nhiệm vì họ chỉ là người bán tên và không có vai trò thực chất.

“Chúng tôi không trả bất kỳ khoản tiền nào cho bất kỳ ai”, luật sư này nói thêm. Tuy nhiên, hồ sơ thuế của ba công ty thuộc tập đoàn liên quan đến dự án đó cho thấy các khoản khấu trừ phí tư vấn với tổng trị giá 1,1 triệu USD đã được trả cho ai đó.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một người trực tiếp tham gia dự án hai tòa tháp Trump ở Istanbul bày tỏ sự bối rối khi được hỏi về các tư vấn viên của dự án, nói với tờ Times rằng chưa bao giờ có bất kỳ nhà tư vấn hoặc bên thứ ba nào khác ở Thổ Nhĩ Kỳ được Trump Organization trả tiền.

Song hồ sơ thuế cho thấy các khoản khấu trừ thường xuyên cho phí tư vấn trong 7 năm, tổng cộng là 2 triệu USD.

Ivanka Trump tiết lộ trong hồ sơ công khai rằng các khoản phí mà cô nhận về được chi trả thông qua TTT Consulting LLC, công ty mà cô cho biết đã cung cấp “dịch vụ tư vấn, bán tên và quản lý cho các dự án bất động sản”.

Được thành lập tại bang Delaware của Mỹ vào tháng 12/2005, công ty là một trong các thực thể liên quan đến ông Trump, với các biến thể của TTT hoặc TTTT trong tên gọi có vẻ như để chỉ các thành viên gia đình Trump.

Giống anh trai Donald Trump Jr. và em trai Eric Trump, Ivanka Trump là nhân viên lâu năm của Trump Organization và là giám đốc điều hành của hơn 200 công ty Trump bán tên hoặc quản lý các bất động sản khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Ivanka Trump từng là quản lý cấp cao tại nhiều công ty thuộc Trump Organization. Ảnh: New York Times.

Hồ sơ thuế cho thấy ba anh em đều nhận lương từ công ty của cha – khoảng 480.000 USD một năm, tăng lên khoảng 2 triệu USD sau khi ông Trump trở thành tổng thống – mặc dù Ivanka Trump không còn nhận lương.

Hơn nữa, ông Trump từng nói rằng những người con này đã tham gia mật thiết vào việc đàm phán và quản lý các dự án của ông. Khi được hỏi trong một vụ kiện năm 2011 về những người mà ông tin tưởng để xử lý các chi tiết quan trọng trong các thỏa thuận bán tên của mình, ông chỉ nêu tên Ivanka, Donald Jr. và Eric.

Trên website hiện không còn tồn tại của Ivanka Trump, cô không được xác định là nhà tư vấn. Thay vào đó, cô được mô tả là quản lý cấp cao, người “tích cực tham gia vào mọi khía cạnh trong các dự án của Trump (Organization) hay mang thương hiệu Trump, bao gồm đánh giá thỏa thuận, lập kế hoạch trước khi phát triển, tài chính, thiết kế, xây dựng, bán hàng và tiếp thị, đồng thời đảm bảo rằng các tiêu chuẩn nổi tiếng thế giới của Trump được đáp ứng”.

PV (T/h)