Anh dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch từ hôm nay 19/7. Giới khoa học cảnh báo nước này có thể trở thành nơi sản sinh biến chủng mới khi mở cửa.
Trước thềm các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định: “Nếu chúng ta không dỡ bỏ ngay bây giờ, thì chúng ta chỉ còn thời điểm mùa thu hay những tháng mùa đông – khi thời tiết lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho virus. Chúng ta sẽ mất đi cơ hội quý giá khi các trường học đang nghỉ hè”.
“Nếu chúng ta không dỡ bỏ hạn chế ngay bây giờ, thì đến bao giờ mới được?”, thủ tướng Anh nhấn mạnh.
Không ít chuyên gia y tế trong và ngoài nước lên án việc Thủ tướng Johnson quyết dỡ bỏ hầu hết hạn chế ngừa Covid-19. Theo họ, kế hoạch này có thể là “mối đe dọa chết người” trong bối cảnh đại dịch lây lan nhanh.
Hiện Anh có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 trên thế giới, chỉ xếp sau Indonesia và Brazil. Số trường hợp nhiễm được ghi nhận tại xứ sở sương mù vẫn vượt 50.000 mỗi ngày.
Vì vậy, nhiều người lo ngại kế hoạch tái mở cửa của chính phủ Anh sẽ dẫn đến sự xuất hiện biến chủng mới, kháng lại hiệu quả của vaccine.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid thừa nhận số ca nhiễm sau khi mở cửa có thể chạm mốc 100.000 mỗi ngày, nếu người dân không chấp hành các biện pháp phòng dịch.
Sự gia tăng của các ca mắc trong thời gian gần đây càng cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về ngày 19/7 – “Ngày Tự do” – được báo chí Anh tung hô.
Về kế hoạch mở cửa, Bộ trưởng Javid, người vừa được xác định mắc Covid-19 hôm 17/7, tuyên bố Anh sẽ không quay đầu với kế hoạch mở cửa.
Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, một số quan chức thừa nhận lệnh hạn chế có khả năng được áp đặt trở lại, khi hệ thống y tế phải “gồng mình” trước sự gia tăng đột biến các ca mắc.
hôm 16/7, Anh báo cáo 51.870 trường hợp nhiễm bệnh trong ngày – con số cao nhất kể từ ngày 15/1.
Trước tình hình này, tại một hội nghị quốc tế các nhà khoa học từ nhiều nơi trên thế giới đã thúc giục chính phủ Johnson “khẩn trương xem xét lại” ý định mở cửa.
Hội nghị đưa ra tuyên bố cho rằng quyết định của Thủ tướng Johnson sẽ “tác động sâu sắc đến nước Anh”, đồng thời nhấn mạnh thêm: “Với vị thế là một trong những trung tâm đi lại hàng đầu thế giới, bất cứ biến chủng trỗi dậy nào tại đây cũng có khả năng lan ra khắp thế giới”.
“Không có cố vấn y tế công cộng uy tín nào lại khuyên bạn nên mở cửa vào thời điểm mà virus đang lây lan nhanh chóng”, cựu quan chức Bộ y tế Australia Stephen Duckett cho biết.
Tuy nhiên, giới chức Anh nhận định Thủ tướng Johnson không rút lui vào phút cuối.
Các câu lạc bộ đêm vẫn sẽ mở cửa trở lại vào ngày 19/7, trong khi việc hạn chế tụ tập bị chấm dứt, và mọi người không còn bị bắt đeo khẩu trang ở những nơi công cộng.
Trong khi đó, bên kia eo biển Manche Pháp ngày 18/7 báo cáo hơn 12.500 ca Covid-19, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới mỗi ngày tại nước này vượt 10.000.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Pháp cho biết 12.532 ca nhiễm mới ghi nhận bao gồm cả dữ liệu chưa công bố của ngày hôm trước. Tổng số ca nhiễm của Pháp hiện là 5.867.730.
“Số liệu đăng hôm nay vì thế không nên được hiểu là số ca mắc mới mỗi ngày tăng bất thường, dù đặt trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng khá mạnh”, thông báo trên website của Bộ Y tế Pháp lưu ý.
Trước đó, hôm 16 và 17/7, Pháp báo cáo 10.949 và 10.908 ca nhiễm mới. Cùng ngày 19/7, Pháp ghi nhận thêm 5 trường hợp tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 111.472. Nước này hiện là vùng dịch lớn thứ 5 thế giới.
Nhiều cuộc biểu tình đang nổ ra tại Pháp nhằm phản đối kế hoạch ứng phó Covid-19 của Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó đề cập đến việc tiêm vaccine bắt buộc với nhân viên y tế và yêu cầu người dân trình giấy chứng nhận âm tính nCoV để vào những địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim.
PV (T/h)