11/02/2023 7:21:25

Tín hiệu lạc quan từ thị trường lao động

Khác với sự biến động, thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán như những năm trước, ngay từ đầu năm 2023 này, thị trường lao động ở thành phố Hà Nội đã khá ổn định và có nhiều tín hiệu lạc quan, khi gần 98% số người lao động trở lại làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp đúng thời hạn quy định. Cùng đó, các hoạt động kết nối việc làm sớm được tổ chức với nhu cầu tuyển dụng của nhiều ngành nghề có xu hướng tăng.

Thị trường lao động ổn định sau Tết

Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội), cho biết, theo quan sát của đơn vị này, khác với mọi năm, thị trường lao động Hà Nội đầu năm 2023 vẫn duy trì được tính ổn định, tình trạng “nhảy việc” sau Tết không còn là xu hướng do người lao động mong muốn có việc làm ổn định.

Trong khi đó, thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng cho thấy, ngay từ những ngày đầu tiên trở lại đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có hơn 99% doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất với trên 98% số công nhân lao động trở lại làm việc.

Một trong những giải pháp thúc đẩy giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động của thành phố Hà Nội là nâng cao hiệu quả của các Sàn giao dịch việc làm.

Cùng với tính ổn định, theo nhận định của cơ quan chức năng, với sự phục hồi tích cực của kinh tế Thủ đô trong năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình thị trường lao động ở Hà Nội tiếp tục được kỳ vọng có những chuyển động tích cực trong quý 1/2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tiếp tục gia tăng.

Số liệu tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, một số nhóm ngành đang có nhu cầu tuyển dụng lớn phải kể đến như: Vận tải – logistics; dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; công nghệ – thông tin…

Tổng nhu cầu tuyển dụng trong quý 1 dự kiến khoảng 100.000 – 120.000 vị trí việc làm. Trong đó, ở khối doanh nghiệp vận tải – logistics, nhu cầu tuyển dụng trong quý 1/2023 dự kiến khoảng 14.000 – 18.000 vị trí, chủ yếu tuyển dụng ở các vị trí là lái xe, nhân viên kho… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có nhu cầu tuyển dụng ước tính khoảng 10.000 – 15.000 vị trí. Các vị trí tuyển dụng chủ yếu là nhân viên môi giới, nhân viên trực tổng đài…

Hoạt động tài chính – ngân hàng cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính từ 15.000-20.000 vị trí, tập trung chủ yếu ở các vị trí như nhân viên giao dịch, nhân viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, nhân viên thẩm định tài sản. Công nghệ thông tin luôn là ngành có nhu cầu tuyển dụng ổn định, và được dự báo là một lĩnh vực tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong năm 2023.

Trong quý 1, theo quan sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ 12.000 – 15.000 vị trí, tập trung vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nhân viên phát triển IT, nhân viên phát triển phần mềm, UI/UX, DA, BA, lập trình ứng dụng di động, lập trình game…

Ngoài các nhóm ngành trên, nhờ có nhiều chính sách, chương trình kích cầu du lịch được ban hành, thúc đẩy hoạt động phục hồi và tăng trưởng mạnh nên dịch vụ lưu trú ăn uống, khách sạn, du lịch cũng hứa hẹn sẽ là ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bùng nổ trong quý 1 và giai đoạn tiếp theo. Ước tính nhu cầu tuyển dụng của nhóm này khoảng 10.000 – 12.000 vị trí.

Tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động

Từ những tín hiệu lạc quan, thành phố Hà Nội tiếp tục xác định đẩy mạnh giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động là mục tiêu quan trọng. Theo đó, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo Kế hoạch này, năm 2023, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 162.000 lao động. Để đạt mục tiêu nói trên, nhiều giải pháp đã được UBND Thành phố đề ra, bao gồm: Hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động và chuyên gia, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tuyên truyền nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố; tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội…

Trong đó, đối với hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Thành phố dự kiến sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch; thiết lập mạng lưới thu thập, khảo sát và cập nhật dữ liệu thị trường lao động tại mỗi quận, huyện, thị xã để hình thành cơ sở dữ liệu thị trường lao động Thành phố đồng thời đồng bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lao động, việc làm, an sinh xã hội…

Về giải quyết việc làm, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm Thành phố… Cụ thể, Thành phố sẽ chỉ đạo tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày diễn ra đồng bộ trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề, phiên giao dịch việc làm lồng ghép, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã và tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố; triển khai đa dạng các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, tạo điều kiện giúp học viên, sinh viên, người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường lao động, xu hướng việc làm.

Trước mắt, trong quý I/2023, Thành phố sẽ tổ chức hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm với 55 phiên, bao gồm 53 phiên giao dịch việc làm hằng ngày; 1 phiên giao dịch việc làm online; 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề; 1 phiên giao dịch việc làm lưu động… qua đó hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Theo LĐTĐ