9 giờ tối ngày 23/3, ở khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn đều đặn có bố mẹ, anh chị, người quen của những người đang cách ly đến xin tiếp tế. Họ mang bánh mì, bánh tráng, trái cây, nước rửa tay, khẩu trang, quần áo, đồ dùng cá nhân… đến cho người thân.
Các đồ dùng, đồ ăn được bọc trong thùng xốp, thùng giấy, bọc ni lông, bên ngoài có ghi họ tên, số điện thoại, số phòng, tầng người nhận.
Các chiến sĩ công an, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ từ ngoài cổng lần lượt kiểm tra từng gói đồ và liên tục nhắc: ‘Mọi người ơi! đừng đưa đồ ăn vào. Trong khu cách ly có đủ đồ ăn rồi nhé. Các cô chú, anh chị cứ đưa đồ ăn vào chúng cháu không nhận đâu’. Tuy nhiên, nhiều ông bố bà mẹ vẫn năn nỉ được đưa đồ ăn cho con.
Ông Hoàng, 66 tuổi, nhà ở gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. 4 giờ chiều, ông dẫn chiếc xe máy ra để mang đồ dùng cá nhân cho cô con gái học thạc sĩ ở Thượng Hải, Trung Quốc về nước hôm 22/3. Không biết đường đi xuống ký túc xá, ông phải mất hơn 3 giờ di chuyển mới đến nơi.
Đáng lẽ, tết Nguyên Đán vừa qua cô con gái 32 tuổi của ông Hoàng sẽ về nhà đón giao thừa cùng gia đình, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, cô phải ở lại. ‘Chỗ con bé ở không phải tâm dịch, nhưng vợ chồng tôi rất lo, dù con ngày nào cũng gọi về bảo khỏe mạnh’, ông Hoàng bày tỏ.
Ông Hoàng cho biết, khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, con gái ông không mua được sim điện thoại Việt Nam nên không gọi được cho gia đình. Thành ra, con về được hơn một ngày, vợ chồng ông mới đến thăm con. ‘Tôi mang chút đồ dùng cho con và muốn được gặp con bé’, ông Hoàng chia sẻ.
Kế bên, anh Trọng, Quận 7 cũng đưa mì tôm, quạt điện, táo, ít đồ khô và đồ dùng cá nhân cho em gái mới từ Úc về. Theo anh Trọng, đây là các món đồ gia đình chuẩn bị vì có yêu cầu của em gái. Chạy xe từ Quận 7 đến Thủ Đức nhưng đến nơi, không gửi được cho em, anh phải mang về.
Chiều tối, nấu nước gừng, cháo, ít yến chưng xong, chị Phương, 28 tuổi, giáo viên ở Dĩ An, Bình Dương chạy xe mang đến cho bạn trai cũ là bác sĩ đang làm việc ở khu cách ly. ‘Chúng tôi quen nhau hơn một năm thì dừng lại. Hai đứa mới chia tay đây thôi. Giờ, chúng tôi vẫn là bạn’, chị Phương tâm sự.
Biết anh đến khu cách ly của ký túc xá làm việc từ hôm 21/3, chị vừa thương vừa lo.
14h, khung cảnh ở cổng ký túc xá thuộc làng Đại học Quốc gia TP.HCM (thị xã Dĩ An, Bình Dương) – nơi cách ly hàng nghìn người từ nước ngoài trở về – khá bận rộn.Cầm hộp đồ ăn đến cổng khu cách ly, Phương gọi cho bạn trai lần nữa nhưng bên kia máy lại báo bận. ‘Chắc anh ấy đang bận lắm. Không biết anh có ăn uống đầy đủ không?’, nữ giáo viên nói rồi quay về.Khi đọc được thông tin, một bác sĩ 29 tuổi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội dương tính với Covid-19, chị gọi cho anh hỏi thăm thì đầu máy báo bận. Chị quyết định nấu đồ ăn mang đến cho anh tẩm bổ.
Hàng trăm người xếp hàng dài tới nửa km. Cạnh họ là những thùng carton đựng đồ đạc, thực phẩm, nước uống… dù có quy định không được gửi thức ăn bên ngoài vào khu cách ly.
Dưới cái nắng 33 độ, lực lượng dân quân mồ hôi nhễ nhại thoăn thoắt chuyển hàng, miệng không ngừng nhắc nhở người đến gửi đồ. Khung cảnh nhốn nháo khiến con đường phía trước cổng ký túc xá bị chặn kín bởi hàng chục ôtô cùng các thùng hàng hóa.
Xếp hàng chờ đợi, người đàn ông khoảng 40 tuổi vác 2 thùng bia tới đặt sát cổng. Long nhắc người này không được gửi đồ uống vào trong. Lúc sau, người đàn ông khiêng 2 thùng bia tới một góc, lấy thùng carton khác to hơn để đặt bia vào trong rồi dán băng keo “ngụy trang”.
“Hôm qua mới chuyển vào 2 thùng rồi, lọt hết. Nay chuyển thêm vào trong cho tụi nó uống với nhau”, người này nói với phóng viên.
Tuy nhiên, lần này chiếc thùng ngụy trang bị các anh dân phòng phát hiện và trả lại. “Con đã nói với chú là không được gửi bia vào rồi, nhắc chú mấy lần mà chú cứ làm khó tụi con”, một dân quân cố gắng giải thích cho người đàn ông hiểu việc này là sai quy định.
Giữa trưa đứng bóng, trời càng nắng gắt. Các tình nguyện viên mệt nhoài. Ban đầu chỉ một người cầm loa thông báo nhưng sau đó 2-3 dân quân cùng nhắc nhở.
“Con biết đồ của các cô mấy chú nặng nhưng các cô các chú bình tĩnh, từ từ nha”, Phi Long nói đến khan cả giọng.
Ông Bình (quận 7) ngồi loay hoay lắp chiếc tủ lạnh sau khi vận chuyển đến cổng để gửi vào cho con gái. Tuy nhiên, vật dụng này bị từ chối đưa vào khu cách ly.
“Đi có 2 tuần mà gửi chi tủ lạnh nặng nề vậy trời”, một anh giao hàng đứng cạnh đó tỏ vẻ ngạc nhiên.
Ngoài người thân, cổng khu cách ly tập trung nhiều shipper. Ngoài chuyển đồ cá nhân, những người giao hàng được người trong khu cách ly đặt đồ ăn vặt như bánh trái, trà sữa…
Theo quy định, nơi cách ly không tiếp nhận thức ăn, nước uống. Cầm trên tay 4 ly trà sữa, shipper tên Tâm không biết giải quyết thế nào khi khách chưa thanh toán tiền, còn dân quân từ chối tiếp nhận.
Chứng kiến cảnh đó, một dân phòng bước tới hỏi Tâm về khách hàng đã đặt đồ. “Em chỉ nhận một lần này thôi. Em cũng nhắc anh là đừng nhận đơn khu vực này nữa”, nam dân phòng xách trà sữa vào cho 3 cô gái đang chờ dưới tán cây cạnh tòa nhà.
“Em nhận chuyển vì thấy tội anh shipper. Các chị thương mấy ảnh thì đừng đặt hàng nữa”, anh dân phòng này nói rồi nhận tiền giúp và xịt khuẩn trước khi đem ra đưa cho Tâm.
Lúc sau, khi thấy những người giao hàng mang đồ ăn tới càng đông, những người làm nhiệm vụ ở khu cách ly phải thông báo không nhận đồ ăn, thức uống. Chỉ có mì gói được tiếp nhận để gửi vào bên trong.
Phóng viên (tổng hợp)