Ngày 13/12/2023, hội thảo “Giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu” do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp, thủy sản của Việt Nam. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP, ĐBSCL năm 2023 tại tỉnh Cà Mau.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Sử Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh hội thảo là một trong nhiều sự kiện hội chính trong chuỗi sự kiện “Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023”. Hội thảo được kỳ vọng sẽ giúp ứng dụng các công nghệ, nghiên cứu mới vào thực tiễn để góp phần phát triển ngành thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ngành tôm tại Cà Mau.
Ông Lê Văn Sử Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết địa phương này là tỉnh duy nhất của cả nước có 03 mặt giáp biển, có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 80.000 km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại.
Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của địa phương khoảng 280.000 ha. Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt trên 636.000 tấn/năm, trong đó sản lượng tôm khoảng 243.000 tấn; còn lại là các đối tượng thủy sản khác. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào này đã giúp các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, chủ động được nguồn hàng cung cấp cho các hợp đồng xuất khẩu thủy sản ra thị trường quốc tế và đạt doanh thu trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và kết quả đạt được, Cà Mau đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đến sự phát triển bền vững trong khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường tiêu thụ. Mặt khác, đầu tư hạ tầng sản xuất của ngành thủy sản địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; phụ thuộc nhiều vào thời tiết; công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa tạo được sự đột phá…
Nhằm đẩy mạnh phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bền vững về môi trường và tăng sức cạnh tranh sản phẩm của ngành tôm Việt Nam nói chung, trong đó có ngành tôm Cà Mau trên thị trường quốc tế, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo “Giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu.
Hội thảo lần này nhận được sự tham dự của khoảng hơn 150 đại biểu là lãnh đạo các Bộ ngành trung ương, nhà quản lý, nhà khoa học ở các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học; các công ty, doanh nghiệp. Các đại biểu là nhà khoa học, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố phát triển mạnh ngành thủy sản trên cả nước đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng ngành thủy sản Việt Nam và đưa ra nhiều giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu.
Hầu hết chuyên đề, nội dung trao đổi tại hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Quy trình công nghệ nuôi và sản xuất giống thủy sản; Thực trạng và giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm; Giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chế biến tôm đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Theo đó, các tư liệu, luận cứ khoa học được các nhà khoa học, nhà quản lý trình bày, thảo luận, phân tích tại hội thảo lần này đã góp phần làm sáng tỏ thêm về những thuận lợi, khó khăn, thách thức và giải pháp phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Nhiều tham luận, ý kiến chuyên gia, nghiên cứu khoa học cũng đã đưa ra những khuyến nghị, định hướng và giải pháp góp phần đưa ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Trong nhiều giải pháp được nêu ra, đa phần đại biểu tham luận thống nhất với nhóm giải pháp mà ngành tôm Việt Nam, trong đó có tỉnh Cà Mau cần ưu tiên là: Ứng dụng các quy trình công nghệ thân thiện môi trường, hướng đến giảm phát thải; Công nghệ xanh và Công nghệ tuần hoàn./.
Trần Quyền