23/09/2023 2:08:37

Tiền mã hoá hấp dẫn tội phạm rửa tiền đến Việt Nam vì thiếu quy định đồng bộ toàn cầu

Sau thành công của hội nghị tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/9/2023, tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh TP.HCM, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”.

Quy định không ít, nhưng chưa theo kịp các thủ đoạn mới

Công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng, mở ra cơ hội tăng trưởng cho ngành tài chính, nhưng cũng tạo ra thách thức trong việc phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa khi các hành vi rửa tiền trở nên tinh vi và phức tạp hơn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Quá trình xây dựng Luật, nghị định và thông tư, VNBA luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo, đặc biệt là Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN) để tham gia góp ý. Các ngân hàng hội viên cungx đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả cao nhất trong việc phòng và chống rửa tiền.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) – nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

Ông Trần Việt Hùng, Cố vấn của Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Vì sao tiền mã hoá hấp dẫn tội phạm rửa tiền?

Tính chất ẩn danh: Bên cạnh các nền tảng giao dịch yêu cầu người dùng KYC danh tính, nhiều ví blockchain cho phép người dùng khởi tạo tài khoản và bắt đầu giao dịch mà không cần xác minh danh tính.

Thiếu quy định đồng bộ: Tính đến năm 2023, một số quốc gia đã xác định tiền mã hóa, tài sản mã hóa là một loại tài sản, do đó có thể áp dụng luật AML dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu của FATF. Tuy nhiên nhiều khu vực vẫn chưa chấp nhận tiền mã hóa, tài sản mã hóa nên việc áp dụng tiêu chuẩn AML toàn cầu là không khả thi. Bên cạnh đó, do thiếu tính đồng bộ giữa các quốc gia nên việc xác định và xử lý hành vi rửa tiền xuyên biên giới trở nên khó khăn. Ví dụ: Tội phạm rửa tiền chuyển tiền mã hoá từ Liên minh châu Âu (EU) thì có cơ sở xác định hành vi phạm tôi nhưng khi chuyển khoản tiền này vào thị trường Việt Nam thì sẽ khó xác minh hành vi phạm tội vì Việt Nam chưa công nhận tiền mã hoá.

Tính chất giao dịch xuyên biên giới: Các giao dịch diễn ra tức thì, 24/7 xuyên biên giới nên rất hấp dẫn tội phạm rửa tiền quốc tế.

Các khó khăn, thách thức trong phòng chống hành vi rửa tiền

Tính ẩn danh và sự phức tạp của các giao dịch tiền mã hoá: gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc theo dõi và phát hiện các nguy cơ rửa tiền nếu không có chuyên môn, đặc biệt khó kiểm soát việc chuyển tiền mã hoá do tính chất xuyên biên giới; phải phụ thuộc vào các công cụ tư nhân chi phí cao.

Sự phát triển của các Privacy Coin làm cho việc theo dõi các giao dịch trở nên phức tạp do được thiết kế để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Bitcoin có nhược điểm là ai cũng có thể xem lịch sử các giao dịch token được lưu trữ trên sổ cái công khai. Đây là lý do khiến nhiều tin tặc chuyển sang các đồng tiền như Dash, Zcash, Monero có tính ẩn danh cao. Ra mắt năm 2014, sách trắng của đồng Monero nêu rõ, đặt “quyền riêng tư và ẩn danh” lên hàng đầu, ẩn hầu như mọi chi tiết giao dịch, bao gồm cả danh tính người gửi, người nhận và số tiền giao dịch. Nhờ đó, Monero giúp tội phạm tiền số không lo bị theo dõi khi giao dịch.

Thiếu quy định đồng bộ toàn cầu: Hiện tại chỉ có một số nước ban hành các quy tắc để quản lý thị trường tiền mã hoá. Phần lớn các quốc gia đều đang thiếu hụt khung quy định. Do đó việc tuân thủ các khuyến nghị chung từ FATF là khá khó khăn. Ví dụ: Tại Anh quốc, yêu cầu phải KYC khác hàng, doanh nghiệp, sàn giao dịch, báo cáo các giao dịch bất thường, trong khi tại Việt Nam chưa có các quy định này.

Điều đó khiến giới tội phạm ở các quốc gia có quy định nghiêm ngặt có thể chuyển hoạt động phi pháp và rửa tiền ngay tại Việt Nam. Hay các tội phạm ở Việt Nam, chúng có thể đổi fiat qua tiền mã hoá (và ngược lại) và giao dịch chúng với khách hàng thông qua nhiều hình thức như P2P (Peer to Peer) ở trong nước mà không có bất kỳ biện pháp phát hiện, báo cáo, và ngăn chặn nào.

Các chuyên gia lĩnh vực blockchain và pháp lý tham gia phổ biến Luật Phòng chống rửa tiền và tư vấn các giải pháp phòng ngừa tại Hội nghị

Các khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền

Nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị các định chế tài chính cần thực hiện 3 nhiệm vụ:

Nhận diện giao dịch tài sản số: Về nhận diện giao dịch tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam công nhận: Trong khi chưa có các văn bản pháp lý cụ thể về tiền mã hoá thì tài sản này vẫn hoàn toàn có cơ sở được pháp luật công nhận. Các tổ chức tín dụng cần nhận diện và học hỏi cách phân loại tài sản này theo các quy tắc của BIS, Basel và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.

Xây dựng quy trình: các định chế tài chính nên xây dựng các Quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hoá đối với các tài khoản cá nhân. Hiện tại các giao dịch với tài sản mã hoá thực hiện qua P2P có thể căn cứ theo các quy định trong Luật Phòng và chống rửa tiền áp dụng từ 1/3/2023.

Chuẩn bị tốt nhân sự: phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật. Nguồn nhân lực này không thể chỉ trông chờ vào luật hay cơ quan nhà nước mà cần được chủ động thực thi bởi tầm nhìn chiến lược của các lãnh đạo ngân hàng.

Ghi nhận ý kiến của các tổ chức tín dụng, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Phòng, chống rửa tiền, NHNN cho biết sẽ trả lời bằng văn bản những nội dung mà các đơn vị đã kiến nghị sau buổi làm việc. Thông qua việc triển khai các nội dung cụ thể tại Thông tư 09, NHNN sẽ có những cẩm nang và hướng dẫn cụ thể để giải quyết những vướng mắc mà tổ chức tín dụng gặp phải trong quá trình thực hiện.

Ghi nhận các ý kiến của các tổ chức hội viên phát biểu tại Hội nghị, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật phòng và chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của FAFT cũng như các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệp, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực trên.

Quang Trung