15/12/2021 7:00:53

Thưởng Tết: Người hy vọng, người chỉ dám mong nhận đủ lương!

Còn chưa đầy 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có thông tin gì về thưởng Tết. Không ít người lao động ngóng chờ, hy vọng để có thêm chút tiền trang trải Tết, nhưng cũng nhiều người chẳng mơ đến thưởng, chỉ mong được đi làm đủ ngày, nhận đủ lương đã là hạnh phúc.

Dự kiến thưởng Tết Nhâm Dần năm 2022 sẽ giảm 30-50% so với năm ngoái

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giãn cách xã hội khá dài làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cả nước có tới 5.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, nhiều lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa nhận được thông báo thưởng Tết.

Dự báo giảm 30-50% so với năm ngoái

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của các doanh nghiệp bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người).

Tuy nhiên tiền thưởng Tết Nhâm Dần 2022 theo nhận định của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sẽ giảm từ 30% đến 50% so với mức thưởng năm ngoái. Chỉ một số doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như: công nghệ thông tin, thương mại hàng hóa, ngân hàng có khả năng giữ được mức thưởng như năm 2021.

Mức thưởng phổ biến sẽ là 1 tháng lương, tùy theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng do dịch COVID-19 kéo dài, nên một số ngành nghề như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách có thể không có thưởng Tết hoặc thưởng ở mức thấp để giữ lao động.

Hiện nay, dù chưa đầy 2 tháng nữa là Tết nhưng các doanh nghiệp vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, chờ đợi nhu cầu thị trường. Nếu như vào thời điểm này những năm trước, các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc phục vụ Tết trên địa bàn TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung đã tất bật bước vào giai đoạn cao điểm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán thì năm nay, không khí sản xuất lại trở nên im ắng hơn, nhiều nơi sản xuất trễ hơn, số lượng cũng hạn chế, vì lo ngại thị trường tiêu thụ chậm do chi tiêu và thu nhập giảm.

Thưởng Tết là một giải pháp “cứu cánh”

Anh Phan Xuân Mỹ quê miền Tây (công nhân may tại KCN Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ với phóng viên: “Trước khi có đại dịch, lương công nhân tuy không cao, nhưng chắt bóp từng đồng cũng đủ để tự lo được bản thân, gửi một ít về quê cho cha mẹ hoặc nuôi con ăn học. Tôi là một trong số ít những công nhân cố gắng bám trụ lại thành phố trong giai đoạn dịch tăng cao, một phần vì lo không biết về quê sẽ làm việc gì, một phần lo con cái đang học tập nên 3 tháng qua tôi dè xẻn, chắp vá để nhà vẫn còn có cái ăn và chi trả tiền nhà trọ. Sau thời gian ngưng hoạt động, tháng 10 vừa qua công ty mới đi làm việc lại”. Vui mừng khi lại có lương, dù chỉ vài triệu nhưng đã giúp gia đình nhỏ của anh ấm áp lên hẳn, sự lo lắng tan biến nhường chỗ cho những tiếng cười”.

Nhiều lao động không dám mơ đến thưởng Tết, được đi làm và nhận đủ lương thời điểm khó khăn này đã là mừng với họ

Trao đổi với anh Mỹ về Tết đang tới, người công nhân chỉ cười buồn với ánh mắt mông lung. Anh nói chắc quên Tết chứ càng nghĩ lại càng hoang mang, bất lực. Lương hai vợ chồng đều là công nhân gộp lại được gần 15 triệu cũng chỉ đủ để xoay sở và tiết kiệm chút ít. Nhưng sau thời gian dài giãn cách không có thu nhập, tiền tiết kiệm cũng không còn, bây giờ chỉ mong công ty có thưởng Tết làm cứu cánh để về quê có chút quà, sắm chút đồ cho có không khí đón Xuân!

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp

Cũng chia sẻ về chuyện thưởng Tết, chị Nguyễn Thị Kim Thanh (Công ty SXTM Gia Long, TP.HCM) cho biết, công ty chị làm việc hơn 4 tháng qua ngưng hoạt động. Quãng thời gian này, chị không muốn nhắc lại vì khó khăn vô cùng. Nay được đi làm trở lại, đối với chị là điều vui mừng không kể xiết. Công ty vừa quay trở lại sản xuất hơn 1 tháng, công nhân ai cũng vui mừng vì không bị giảm giờ làm. Đầu tháng 12, chị nhận được 8 triệu đồng tiền lương, cầm số tiền này, người mẹ hai con chỉ dám sử dụng 2 triệu đồng, còn lại sẽ tiết kiệm để lo toan cho dịp Tết.

“Hiện tại, vẫn chưa thấy công ty thông báo thưởng Tết nhưng chị chỉ mong được đi làm bình thường, tháng nhận được đủ lương. Không có thưởng Tết cũng được, bởi vì mục tiêu trước mắt là giữ được việc làm, thu nhập để đảm bảo cho cuộc sống và cùng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Hy vọng bảo đảm được sức khoẻ phòng tránh dịch và mong năm sau tình hình sẽ bình thường trở lại, dịch qua nhanh” chị Thanh chia sẻ thêm.

Trên thực tế, không có văn bản pháp luật nào quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động trong mọi trường hợp. Tuy vậy một số doanh nghiệp đã làm tốt công tác thương lượng tập thể thì khi làm hợp đồng lao động, hai bên (người sử dụng lao động và người lao động) sẽ đưa nội dung thưởng Tết hoặc tiền tháng 13 vào đàm phán thương thảo, ký kết để thu hút và “giữ chân” công nhân viên.

Thứ tưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh:

“Từ đầu năm 2021, COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Nhiều nhất là trong quý III, có 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm…

Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và thu nhập của công nhân, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, mức hỗ trợ có tổng kinh phí lên tới 2.400 tỉ đồng. Dự kiến, sẽ có 8 triệu công nhân lao động được nhận 300.000 đồng vào Tết năm 2022″.

Lê Việt