Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2023 thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới. Chúng tôi sẽ cùng phân tích sâu hơn những dữ liệu liên quan đến 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Theo số liệu của Metric, mô hình kinh doanh B2C (viết tắt của cụm từ Business to Customer) giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng năm 2023 trên các sàn TMĐT đăng ký tại Việt Nam đạt 498,9 ngàn tỷ đồng, trong đó 5 sàn TMĐT (Shopee,Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) đạt 232,2 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 47%. Các “ông lớn” đã tăng đáng kể thị phần so với năm 2021, khi họ chỉ chiếm 31,4% tổng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C.
Doanh thu TMĐT Hà Nội đạt 76.665 tỷ đồng
Năm 2023, được ghi nhận bởi sự phát triển mạnh mẽ của những hìnhthức mua sắm mới điển hình là livestream và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng TMĐT chuyên nghiệp. Trong năm 2023, có tới hơn 105 ngàn nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên xuất hiện thêm hơn 95 ngàn nhà bán mới trên sàn TikTok Shop, giúp cho sàn này chốt trung bình mỗi tháng lên đến 50 triệu đơn hàng.
Theo Metric hiện có 637.273 shop bán hàng trên 5 sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã bán 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm và 20,1triệu sản phẩm có lượt bán trong năm 2023. Tổng doanh thu 5 sàn này đạt 232, 2 ngàn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Kinh doanh TMĐT đặc biệt tăng mạnh ở 2 quý cuối năm với mức tăng, trưởng cao nhất đạt 89,9% vào tháng 8, với doanh thu hơn 21 ngàn tỷ đồng.
Qua 6 năm phát triển của thị trường TMĐT tại Việt Nam, những ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán là Làm đẹp, Nhà cửa – Đời sống vàThời trang nữ. Đây là những ngành hàng chiếm ưu thế lớn với tốc độ tiêu dùng nhanh, khả năng lưu kho, vận chuyển dễ dàng. Vì vậy, đây cũng là những ngành hàng có tính cạnh tranh cao nhất trên thị trường bán hàng trực tuyến.
Doanh thu TMĐT Hà Nội đạt 76.665 tỷ đồng, chiếm thị phần 33%, tăng trưởng 44%,TP Hồ Chí Minh 51.230 tỷ đồng, chiếm thị phần 22%, tăng trưởng 31%. Theo chuyên gia thương mại điện tử Nguyễn Phan Anh thì đây vẫn sẽ là 2 địa bàn được các sàn TMĐT xem là địa bàn chiến lược, nhất là khi chính quyền Hoàn Kiếm đang tích cực hỗ trợ 6 ngàn doanh nghiệp và 12 hộ kinh doanh kinh doanh trực tuyến.
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưu tiên mua sắm trên sàn bán lẻ trực tuyến với các sản phẩm ở phân khúc giá thấp – trung bình từ 10.000 đồng – 350.000 đồng. Trong đó, phân khúc giá trị sản phẩm từ 200.000 đồng-350.000 đồng có doanh số gần 35.000 tỷ đồng, đứng đầu bảng.
Xu thế 2024
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 ngàn tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023. Mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Đây thực sự là thử thách đối với ngành hàng tiêu dùng Việt Nam khi xuất hiện nhiều phiên livestream hàng hóa từ Trung Quốc có giá cạnh tranh.
3 ngành hàng đứng đầu về doanh thu và số lượng bán gồm Làm đẹp, Nhà cửa – Đời sống và Thời trang nữ. Đây đều là những ngành hàng có sản phẩm có vòng đời ngắn và tỉ lệ mua lại cao. Top 10 doanh nghiệp có doanh thu cao nhất hiện nay trên tổng 5 sàn TMĐT đều là những Shop Mall, tập trung ở 2 ngành hàng chính là làm Đẹp và Điện thoại, Máy tính bảng.
Theo nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa thì livestream và bán hàng đa kênh tiếp tục là những giải pháp để nâng cao doanh thu bán hàng trực tiếp trong năm tới và các trợ lý ảo AI sẽ được sử dụng thay thế 1 phần KOC, KOLs. Đối với thị trường Việt Nam, combo sản phẩm là xu thế được người tiêu dùng ưa chuộng khi mua sắm vì giá cả phải chăng, giúp họ tiết kiệm chi tiêu.
Nếu như giai đoạn 2016 – 2018, bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, thì những doanh nghiệp trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng. Những báo cáo phân tích đối thủ, thị trường sẽ được các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng gay gắt.
Theo Metric thì AI, Machine learning hiện chủ yếu được ứng dụng bởi các sàn mua sắm trực tuyến hoặc các website TMĐT với nguồn lực đầu tư lớn, Big Data lại đang được nhanh chóng triển khai ở diện rộng hơn. Không chỉ các sàn TMĐT với nguồn dữ liệu nội bộ có sẵn, các doanh nghiệp bán hàng trên sàn cũng có thể ứng dụng công nghệ này qua các đơn vị cung cấp phần mềm thứ ba trung lập.
Công cụ này giúp thương hiệu gia tăng doanh thu và thị phần dựa trên số liệu phân tích xác thực, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của thị trường. Người quản lý doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn những gì người tiêu dùng muốn, chuyển biến của thị trường; từ đó tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp có bước đi chắc chắn, giảm thiểu rủi ro và ra quyết định nhanh hơn đối thủ. Big data cũng giúp tối ưu giao vận – hậu cần, quản lý chuỗi cung ứng, R&D và vận hành kinh doanh trên sàn.
Theo KTĐT