Nghiên cứu công thức độc quyền về nhân, nước sốt
Khởi nghiệp với một xe bán bánh mì dạo trên vỉa hè với số vốn vỏn vẹn 2 triệu đồng, doanh nhân Đoàn Văn Minh Nhựt, đồng sáng lập bánh mì Má Hải cho biết, bí quyết thành công của thương hiệu này là nhờ vào hương vị gây thương nhớ.
Theo Minh Nhựt, hương vị gây thương nhớ này có hai mặt lý tính và cảm xúc. Về mặt lý tính, bánh mì Má Hải đảm bảo đem tới một ổ bánh mì dễ ăn, phù hợp với khẩu vị của đa số người dân Việt Nam.
Trong khi đó, về mặt cảm xúc, bánh mì Má Hải đã phát triển tới nay tròn 10 năm và vẫn luôn giữ vững chất lượng của mình. Có nhiều người đã ăn, gắn bó với thương hiệu bánh mì này từ những ngày đầu tới nay.
“Với nhiều khách hàng, bánh mì Má Hải không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là người bạn đồng hành với họ trong 10 năm nay”, doanh nhân Đoàn Văn Minh Nhựt chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Để tạo nên hương vị gây thương nhớ này cho người tiêu dùng là cả một hành trình dài của hai chàng trai trẻ Đoàn Văn Minh Nhựt và Hồ Đức Hải.
Làm nên một sản phẩm ngon rất khó, song việc đánh giá sản phẩm có ngon hay không còn phụ thuộc vào khẩu vị địa phương, khẩu vị của từng người. Chính vì vậy, bánh mì Má Hải được nghiên cứu công thức chả cá, sốt chấm độc quyền sao cho dễ ăn nhất, phù hợp với khẩu vị của đa số người Việt Nam.
Đoàn Văn Minh Nhựt cho biết, nhân chả cá được sử dụng trong bánh mì Má Hải có tới 95% là cá, 5% còn lại bao gồm một số nguyên liệu, chất kết dính khác như bột mì, ngô… Công thức nước sốt cũng được điều chỉnh để tạo nên hương vị riêng cho bánh mì Má Hải.
Để công thức này có thể hoàn thiện nhất có thể, đội ngũ của bánh mì Má Hải phải mất 4 – 5 năm thử nghiệm, nghiên cứu và điều chỉnh dần. Trong quá trình này, từ những chàng sinh viên chân ướt chân ráo khởi nghiệp, hai doanh nhân trẻ Hồ Đức Hải và Đoàn Văn Minh Nhựt cùng đội ngũ của mình đã phải trải qua nhiều lần thất bại bởi lý thuyết và thực tiễn khác xa nhau.
“Công thức này ở trong phòng lab là tốt rồi, nhưng khi ứng dụng vào sản xuất thực tế lại không được, làm hỏng tới 2 – 3 lô hàng đầu tiên, buộc phải tiêu hủy”, anh Nhựt bộc bạch.
Không chỉ thế, từ việc thử nghiệm thành công những lô hàng đầu tiên, cho tới đưa vào sản xuất số lượng lớn cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp về gia vị, thành phần. Ở giai đoạn đầu khi mới khởi nghiệp, còn nhiều thiếu sót về kinh nghiệm, chưa cho ra được công thức nhân chả cá, nước sốt tốt nhất, song bánh mì Má Hải vẫn luôn đảm bảo hương vị dễ ăn nhất có thể và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tại, sau khi đã nghiên cứu thành công công thức độc quyền về nhân, nước sốt, bánh mì Má Hải đã đầu tư một nhà máy sản xuất chả cá với diện tích 500 m2, được sản xuất đồng bộ bằng công nghệ, máy móc hiện đại, cho ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất, vừa đảm bảo hương vị, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kết quả là câu trả lời tốt nhất
Năm 2013, hai chàng trai sinh viên theo học các chuyên ngành kinh tế Đoàn Văn Minh Nhựt và Hồ Đức Hải chọn khởi nghiệp với xe bán bánh mì dạo. Quyết định này của họ không nhận được sự đồng tình của gia đình, thậm chí là phản đối.
“Tuy nhà tôi có ba đời bán bánh mì từ đời bà nội tới nay, song làm gì có cha mẹ nào muốn con mình lựa chọn những công việc bấp bênh, mạo hiểm. Nhất là khi ấy tôi đã từ bỏ công việc tại một tập đoàn đa quốc gia để khởi nghiệp bán bánh mì thì gia đình càng không đồng ý”, anh Nhựt kể.
Về phía nhà sáng lập Hồ Đức Hải, vốn theo học ngành quản trị kinh doanh, quyết định đi bán bánh mì vỉa hè của anh cũng khiến gia đình, bạn bè, thầy cô khi ấy vô cùng ngỡ ngàng.
Song, với mong muốn phát triển ẩm thực truyền thống là bánh mì Việt Nam, cùng chả cá, đặc sản tại quê hương Vũng Tàu, hai chàng viên vẫn hăm hở bắt tay vào hành trình khởi nghiệp.
Lý giải về cái tên bánh mì Má Hải, Hồ Đức Hải cho biết, do hồi sinh viên, anh luôn tích cực trong các hoạt động trường lớp, cộng đồng. Luôn chăm lo, hỗ trợ bạn bè tận tình, chu đáo như “má” lo cho “con”.
Cảm kích trước sự nhiệt tình và giúp đỡ chu đáo của Hải, bạn bè đặt cho anh cái tên “Má Hải”. Từ đó, tất cả những người quen bắt đầu gọi anh bằng cái tên trìu mến: Má Hải. Do đó, khi khởi nghiệp, họ lấy luôn cái tên như vậy để đặt cho thương hiệu bánh mì.
Hiện bánh mì Má Hải có hơn 500 điểm bán ở 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 250 điểm bán ở hầu khắp các quận, huyện của TP.HCM. Trung bình mỗi tháng, thương hiệu này bán được 1 triệu ổ bánh mì chả cá.
“Tôi không tranh cãi với gia đình, thay vào đó nỗ lực để làm, xây dựng thương hiệu của mình. Kết quả chính là câu trả lời tốt nhất”, anh Nhựt khẳng định.
Nhìn lại hành trình 10 năm của mình, doanh nhân trẻ Đoàn Văn Minh Nhựt cho biết, đội ngũ của bánh mì Má Hải không dễ dàng có được ngày hôm nay. Điểm xuất phát của thương hiệu này vô cùng khiêm tốn, chỉ có một chiếc xe bán bánh mì dạo trị giá 2 triệu đồng, cùng hai chàng sinh viên trẻ còn chập chững khởi nghiệp, chưa nhiều kinh nghiệm.
Theo anh Nhựt, điều khó khăn nhất trong hành trình này là mỗi người phải vượt qua được chính mình, bởi với các nhà khởi nghiệp trẻ, đặc biệt là sinh viên thường rất dễ nản lòng. “Nếu ý chí không kiên định sẽ không thể đi được chặng đường dài”, anh Nhựt nói.
Bên cạnh đó, đội ngũ bánh mì Má Hải có thể đi lâu dài là nhờ sự kết nối giữa các thành viên trong doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), các chuyên gia, nhà đầu tư…
Năm 2021, sau khi đoạt giải Nhì cuộc thi Start-up Wheel do BSSC tổ chức, bánh mì Má Hải đã được hỗ trợ số tiền lên tới 600 triệu đồng.
“Với nhiều doanh nghiệp, 600 triệu đồng không phải là con số lớn. Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, bánh mì Má Hải vẫn còn là một doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp khó khăn trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19, nên 600 triệu đồng này với chúng tôi rất có ý nghĩa”, nhà sáng lập chia sẻ.
Không chỉ thế, bánh mì Má Hải cũng được hỗ trợ kết nối, giao lưu học hỏi nhiều chuyên gia, nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn để dần hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình.
Tuy cả hai nhà sáng lập của bánh mì Má Hải đều có nền tảng kiến thức về kinh tế, nhưng để ứng dụng quản lý một doanh nghiệp thì cần nhiều hơn nữa. Chính vì vậy, những cơ hội được học tập từ thực tiễn doanh nghiệp rất quý giá với các start-up như bánh mì Má Hải.
Bánh mì vì cộng đồng
Các nhà sáng lập của bánh mì Má Hải luôn tâm niệm rằng, thương hiệu này đi lên nhờ văn hóa ẩm thực đường phố, nhờ sự ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là sinh viên, người lao động nghèo. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, khi đã có được những thành công nhất định, bánh mì Má Hải quay về để hỗ trợ cho cộng đồng.
Theo Đoàn Văn Minh Nhựt, trong thời gian vừa qua, bánh mì Má Hải đã tối ưu hóa mô hình nhượng quyền của mình, cho ra gói nhượng quyền với giá chỉ 7,5 triệu đồng, phù hợp với người lao động có thu nhập thấp.
Cụ thể, trong khoảng 4 năm trở lại đây, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế chung, hàng loạt công nhân bị cắt giảm việc làm, giảm thu nhập. Lúc này, việc bán bánh mì nhượng quyền Má Hải trở thành một trong những kế sinh nhai ổn định, phù hợp với người lao động thu nhập thấp.
Bởi lẽ chi phí đầu tư hợp lý, được tự chủ thời gian bán hàng, làm việc (thường bán khoảng 3 – 4 tiếng buổi sáng) để kết hợp các công việc làm thêm, bán thời gian khác tạo thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, bánh mì Má Hải là một thương hiệu đã được kiểm chứng, được người tiêu dùng tin tưởng, sẽ giúp các nhà nhượng quyền thu hút khách hàng tốt hơn.
Một điều cũng phải kể đến là trong thời điểm dịch bệnh, giá nguyên liệu tăng cao, song bánh mì Má Hải vẫn giữ nguyên giá bán của mình mà chất lượng, nguyên liệu không đổi. “Tình hình khó khăn chung, nên chúng tôi sẵn sàng cắt bỏ một phần lợi nhuận để hỗ trợ người dân, người tiêu dùng”, nhà đồng sáng lập Hồ Đức Hải cho hay.
Cũng theo anh Hải, đây là một biện pháp vừa hỗ trợ đơn vị nhượng quyền, người tiêu dùng, vừa giúp thương hiệu giữ chân khách hàng.
Ngoài ra, bánh mì Má Hải còn tham gia hỗ trợ nhiều hoạt động khác như tài trợ ẩm thực cho đám cưới tập thể của công nhân, tài trợ ẩm thực cho cuộc thi Startup Wheel…
PV