27/11/2019 3:14:07

Thực hư thông tin châu Âu siết chặt thị thực với công dân Việt Nam

Những ngày qua, cộng đồng mạng đang xôn xao thông tin việc cấp thị thực đi châu Âu đối với người Việt Nam sẽ bị siết chặt.

Nỗi lo lắng trên bắt nguồn từ một thông tin dẫn nguồn tham khảo từ trang web của Cục Di trú Na Uy (UDI) rằng “công dân của một số quốc gia nhất định muốn xin thị thực đi châu Âu (thị thực Schengen) thì đơn xin này phải được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thuộc khối Schengen”, và danh sách 37 “quốc gia nhất định” này có Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, còn có Afghanistan, Algeria, Syria, Iran, Iraq, Liên bang Nga, Pakistan, Sri Lanka, Triều Tiên…

thuc hu thong tin chau au siet chat thi thuc voi cong dan viet nam
Thị thực Schengen

Trên thực tế thủ tục cấp thị thực Schengen cho các công dân Việt Nam hiện không thay đổi, thời gian duyệt hồ sơ vẫn không quá 15 ngày. Quy trình xét duyệt visa giữa 26 nước trong khối Schengen đã có từ lâu.

Theo trang web chính thức của Ủy ban châu Âu (https://ec.europa.eu), việc xét duyệt thị thực trong khối Schengen từ trước đến giờ luôn yêu cầu sự đồng thuận của tất cả các quốc gia trong khối

Cụ thể, hồ sơ xin visa được nộp vào bất kỳ lãnh sự quán nước nào, sẽ phải xét duyệt chung trên hệ thống thông tin Schengen (Schengen Information System – SIS) chứ không qua đường “công hàm điện tử” của khối để đánh giá. Từ đó, các nước trên có căn cứ để cấp visa.

Để tăng tỷ lệ duyệt thị thực châu Âu, người xin thị thực cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như đơn xin visa, một ảnh 3,5 x 5,5 nền trắng, hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày khởi hành, CMND và sổ hộ khẩu. Trong phần chứng minh tài chính, phải có giấy xác nhận ngân hàng về số dư trong sổ tiết kiệm. Số dư trong sổ cần phải đạt mức 100 – 200 triệu với số tiền đã gửi từ 3 tháng trở lên, một sao kê thẻ tín dụng trong vòng 3 tháng. Với phần chứng minh công việc, người xin visa cần chuẩn bị một hợp đồng lao động bản sao, một giấy xin phép được sự chấp thuận của công ty đang làm việc và sao kê lương 3 tháng gần nhất có xác nhận của ngân hàng.

Các hồ sơ xin visa cần đảm bảo tính chính xác và chân thực. Nếu bị phát hiện làm giả giấy tờ, có thể bị cấm xin thị thực.

P.V (Tổng hợp)