Trung tuần tháng 5 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Phòng Giáo dục – Đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh GDNN năm 2022, tại 3 điểm là: TP Uông Bí, Cẩm Phả và huyện Ba Chẽ.
Ngày hội đã thu hút hàng trăm gian hàng của các cơ sở GDNN nhằm tư vấn, giới thiệu, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh cuối cấp THCS và học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với lĩnh vực GDNN, với thông điệp: “Giáo dục nghề nghiệp thực học, thực hành- vững khởi nghiệp, sáng tương lai”.
Tới dự và phát biểu tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại huyện Ba Chẽ, Ông Vũ Quang Trực – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, Quảng Ninh có có 42 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN (06 trường cao đẳng; 01 trường trung cấp; 13 trung tâm GDNN – GDTX; 02 trường đại học và 20 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN).
Trong đó có 30 cơ sở công lập và 12 cơ sở thuộc doanh nghiệp, được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố.
Thành phố Hạ Long là địa phương có nhiều cơ sở đào tạo nghề nghiệp đóng trên địa bàn với 18 cơ sở, tiếp theo là thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên với 4 cơ sở.
Hằng năm, các cơ sở tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người. Các đơn vị này tham gia đào tạo 141 ngành, nghề theo 07 nhóm, gồm: Nhóm Vận hành, Nhóm nghề Điện nước – Sửa chữa – Cơ khí, Nhóm nghề Mỏ – hỗ trợ nghề Mỏ, Nhóm Du lịch – Dịch vụ, Nhóm Nông – Lâm – Ngư nghiệp, Nhóm công nghệ thông tin và nhóm nghề khác. Như vậy, cơ hội lựa chọn hình thức, địa điểm học nghề cho học sinh rất phong phú.
Trước yêu cầu mới theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh là khâu đột phá, cấp bách”, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cần thiết.
Để tạo điều kiện cho các học sinh tham gia hoạt động GDNN, Chính phủ, các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng và ban hành hàng loạt những chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên tham gia học nghề tại địa phương như: chính sách hỗ trợ học phí, chính sách hỗ trợ học bổng, hỗ trợ để mua đồ dùng cá nhân, hỗ trợ tiền ăn, đi lại, chính sách đối với người sau tốt nghiệp GDNN…
Đặc biệt năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt- Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Theo bà Đinh Thị Vỹ – Phó chủ tịch huyện Ba Chẽ cho biết, Ba Chẽ là huyện miền núi vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức của bà con còn những hạn chế nhất định.
Những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, coi đây là giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Trên địa bàn huyện Ba Chẽ hiện có trên 13.700 người lao động, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, hàng năm Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện, các ngành chức năng điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Phối hợp với các đơn vị tuyển dụng lao động tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm đến các thôn, khu phố, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện, bà Đinh Thị Vỹ đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong việc tập huấn, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề, tư vấn các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, phân luồng và định hướng nghề nghiệp; tuyên truyền các chính sách về hỗ trợ học nghề theo quy định tại các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trung tâm giáo dục cộng đồng tại các xã, thị trấn; triển khai phân luồng sau trung học cơ sở nhằm hướng nghiệp cho học sinh không có điều kiện học tiếp, để tham gia học nghề cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài huyện.
Dưới đây là một số hình ảnh tại các điểm tư vấn tuyển sinh tại Quảng Ninh:
Thu Thủy