06/10/2020 11:28:33

Thúc đẩy và nâng cao chất lượng thi kỹ năng nghề các cấp


“Tổ chức thi kỹ năng nghề (KNN) không hoàn toàn là vấn đề phong trào, truyền thông cho công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thi KNN hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là cơ hội cọ xát, xác định vị trí của Việt Nam trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm giúp nâng cao chất lượng phát triển KNN quốc gia” – Ông Lê Văn Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN) nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Chương – phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề phát biểu tại Hội thảo

Nằm trong hoạt động bên lề của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020, sáng 6/10/2020 tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã diễn ra Hội thảo thúc đẩy phong trào và nâng cao chất lượng tổ chức tham dự thi KNN các cấp, nhằm chia sẻ công tác tổ chức, tham dự thi KNN cấp cơ sở (Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp), cấp quốc gia và quốc tế để tìm giải pháp thúc đẩy phong trào thi KNN các cấp, nâng cao chất lượng đoàn Việt Nam tham dự thi KNN quốc tế.

Thực trạng thi Kỹ năng nghề ở các cấp

Năm nay, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có chỉ số tăng về GDNN đứng đầu ASEAN với chất lượng GDNN tăng 13 bậc. Đó là một tín hiệu đáng mừng sau những cố gắng nâng cao chất lượng GDNN cũng như triển khai chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có KNN, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là trong công tác tổ chức thi KNN các cấp ở nước ta hiện nay.

Theo ông Chương, ngoài một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Thanh Hóa…đang làm rất tốt công tác tổ chức thi KNN, thì ở các địa phương cấp cơ sở cũng như cấp Bộ cần có sự tích cực hơn nữa.

Cụ thể, về số nghề, số thí sinh tham gia thi còn hạn chế so với số nghề đào tạo. Nhiều địa phương chưa tổ chức được thi KNN cấp cơ sở do còn nhiều khó khăn, chỉ tổ chức lựa chọn và cử thí sinh đi tham dự, dẫn tới ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi.

Vai trò của doanh nghiệp trong thi Kỹ năng nghề

Toàn cảnh Hội thảo

“Đích đến cuối cùng của công tác GDNN nói chung và công tác tổ chức thi KNN nói riêng hướng tới chính là đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp” – Ông Chương nhấn mạnh.

Việc thúc đẩy kết hợp của 3 nhà: Nhà trường, nhà nước và nhà doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, hướng tới xã hội hóa công tác thi KNN.

Doanh nghiệp ngoài vai trò tài trợ về kinh phí tổ chức thi KNN, còn là đơn vị hỗ trợ về chuyên môn cho các kỳ thi KNN. Bởi lẽ, công tác GDNN cũng như việc thi KNN gắn liền với chất lượng, kỹ năng tay nghề của người lao động mà các DN sử dụng lao động sẽ đưa ra được những chuẩn mực đánh giá thiết thực nhất.

Tuy có vai trò vô cùng quan trọng, song thực tế cho thấy các DN tham gia trong các kỳ thi KNN còn rất hạn chế. Đặt ra bài toán làm sao để các kỳ thi KNN trở nên hấp dẫn hơn, thiết thực, phù hợp với như cầu của các DN.

Để làm được điều đó, BTC các cuộc thi KNN cần đảm bảo chất lượng thí sinh, thu hút đội ngũ nhân lực trẻ có tay nghề cao bằng sự minh bạch, công bằng chọn ra được những thí sinh xuất sắc nhất. Tiệm cận gần hơn với phương thức tổ chức của ASEAN và thế giới, hướng tới chuẩn nghề nghiệp thế giới. Lan tỏa tầm quan trọng của các cuộc thi KNN trong xã hội, đổi mới công tác tổ chức, đẩy mạnh giao lưu học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm…sau mỗi kỳ thi.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, ông Han Sang Jin –  Trưởng đại diện VP Cơ quan Phát triển nguồn lực Hàn Quốc tại Việt Nam đã chia sẻ về những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong công tác tổ chức kỳ thi KNN thế giới.

 

Ông Ha Sang Jin – Trưởng đại diện văn phòng cơ quan phát triển nguồn lực Hàn Quốc tại Việt Nam trình bày tam luận Công tác tổ chức thi KNN quốc gia – kinh nghiệm của Hàn Quốc

Với kinh nghiệm haii lần đăng cai tổ chức thành công Cuộc thi Tay nghề thế giới vào năm 1978 và 2001, thi Tay nghề quốc gia và địa phương được tổ chức đều đặn hàng năm, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm tổ chức cũng như huấn luyện thí sinh chuyên nghiệp.

Hàn Quốc đã làm rất tốt công tác xã hội hóa thi KNN, mọi kỳ thi KNN ở cấp địa phương hay quốc gia đều như một ngày hội và nhận được sự hưởng ứng của toàn bộ công dân Hàn Quốc. Sau mỗi cuộc thi, những người đạt huy chương nhận được sự công nhận của xã hội, những phần thưởng có giá trị và cơ hội việc làm tại những tập đoàn lớn như Samsung, LG…

Đặc biệt, nhà tài trợ của Hàn Quốc không chỉ hỗ trợ về kinh phí, các nhà tài trợ còn hỗ trợ về thiết bị và tài liệu thi tay nghề quốc gia, hỗ trợ đào tạo của đối thủ cạnh tranh và hỗ trợ về giải thưởng cũng như việc làm cho các thí sinh tham gia thi…

Cùng với đó là các đại diện các đơn vị GIZ, công ty TNHH Denso, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản VN cũng đã đưa ra những chia sẻ trong công tác đào tạo, huấn luyện thí sinh và tổ chức các hội thi thợ giỏi tại đơn vị.

Đại diện các đơn vị tham gia tham luận

Bà Phạm Minh Hảo – Giám đốc nhà máy công ty TNHH Denso cho biết, Tập đoàn Denso đã thành lập Viện Đào tạo KNN từ 9/2013 với mục đích đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao.

Do đó, từ cuộc thi Tay nghề thế giới năm 2015 đến nay, Denso đã hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện cho các thí sinh Việt Nam giành nhiều giải thưởng. Đặc biệt, thí sinh Trương Thế Diệu đã giúp cờ Việt Nam tung bay trên đấu trường KNN danh giá nhất với Huy chương Bạc nghề Phay CNC kỳ thi Tay nghề thế giới 2019.

Hiện tại, Trương Thế Diệu tiếp tục phát huy kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong vai trò người hướng dẫn hướng tới mục tiêu “đổi màu huy chương” trong kỳ thi Tay nghề Thế giới 2021 tại Thượng Hải sắp tới.

Tại phiên thứ 2 của Hội thảo đã diễn ra Tọa đàm về thúc đẩy phong trào và nâng cao chất lượng tham dự kỳ thi KNN các cấp. Tọa đàm diễn ra sôi nổi với sự góp mặt của đại diện tổng cục GDNN, vụ KNN, sở LĐ-TB&XH TP.HCM…

Thúy Anh