-
Đặt vấn đề
Các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) rất đa dạng và tham gia theo những cách khác nhau ở các cấp độ khác nhau của hệ thống (quốc gia, khu vực và địa phương). Ở cấp quốc gia, họ có thể đóng vai trò tham gia, tư vấn trong việc xây dựng chính sách đào tạo nghề, xây dựng tiêu chuẩn nghề cho các lĩnh vực khác nhau trong khi ở các cấp độ thấp hơn, sự tham gia của họ có thể dưới hình thức cung cấp các thông tin về thị trường lao động để cập nhật vào chương trình đào tạo cũng như những mong đợi từ sinh viên tốt nghiệp hoặc đưa ra các ý kiến, đề xuất nhằm phát triển đào tạo nghề trong một cơ sở đào tạo. Khi đào tạo nghề đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, tất cả các bên liên quan đều có lợi – người học, doanh nghiệp và cuối cùng đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Thời gian qua, việc thúc đẩy các quan hệ đối tác trong lĩnh vực đào tạo nghề ngày càng được quan tâm, chú trọng. Mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với các tổ chức nghề nghiệp, công đoàn, doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế xã hội khác nhằm hướng đến một số mục đích gồm:
- Điều chỉnh đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động;
- Hỗ trợ một phần chi phí của các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực sử dụng thiết bị nặng và công nghệ tiên tiến;
- Truyền đạt quan điểm của khu vực tư nhân tới các cơ quan chính phủ phụ trách các chính sách liên quan đến kỹ năng;
- Lượng hóa tình hình thị trường lao động hiện tại và dự báo tình hình trong tương lai;
- Cung cấp đào tạo tại chỗ trong các công ty/doanh nghiệp;
- Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong việc phát triển các tiêu chuẩn đào tạo và đánh giá.
- Thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc tài trợ cho các chương trình đào tạo.
Trong bối cảnh biến động của thị trường lao động và yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, việc thúc đẩy các mối quan hệ đối tác giữa các bên liên quan khác nhau trong GDNN càng trở nên cấp thiết. Bài viết cung cấp các thông tin cơ bản về quan hệ đối tác trong GDNN và thực tiễn thúc đẩy các quan hệ đối tác giữa các bên liên quan tại một số quốc gia đồng thời đưa ra một số khuyến nghị có thể áp dụng tại Việt Nam.
-
Các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp
Có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình đào tạo nghề, theo đó có thể chia nhóm các bên liên quan trong GDNN thành:
- Các cơ quan nhà nước: các bộ chịu trách nhiệm về GDNN và các cơ quan quốc gia dưới sự quản lý của họ; các bộ ngành; chính quyền địa phương; cơ sở đào tạo công lập.
- Các đối tác xã hội và kinh tế tư nhân: tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; hiệp hội; công đoàn; các doanh nghiệp.
- Các cơ sở GDNN tư thục.
- Xã hội dân sự: Tổ chức phi chính phủ/ Tổ chức xã hội dân sự, hội cha mẹ học
- Người học.
- Các đối tác phát triển (các đối tác song phương và/hoặc đa phương quốc tế hoặc các tổ chức tài chính quốc tế như ILO, UNESCO, UNICEF…).
Tùy vào vai trò, chức năng và các nhiệm vụ, các bên liên quan này sẽ thực hiện các loại quan hệ đối tác khác nhau nhằm đạt được các mục đích cụ thể trong những loại hoạt động cụ thể.
-
Đặc điểm quan hệ đối tác trong giáo dục nghề nghiệp
Quan hệ đối tác có thể được định nghĩa là “một sự liên kết tích cực giữa một số bên, phấn đấu để đạt được một mục tiêu chung liên quan đến một vấn đề
hoặc nhu cầu đã được xác định rõ ràng, theo chức năng tương ứng của họ, các bên đều có lợi ích, trách nhiệm, động lực hoặc nghĩa vụ nào đó”.
Các nguyên tắc xây dựng quan hệ đối tác:
- Bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau giữa tất cả các bên;
- Bảo đảm tính minh bạch của các hoạt động đã thực hiện;
- Bảo đảm trách nhiệm giải trình và khả năng dự đoán của tất cả các bên;
- Bảo đảm tính hợp pháp để xây dựng quan hệ đối tác;
- Bảo đảm tính linh hoạt trong phối hợp và thực hiện quan hệ đối tác;
- Liên tục học hỏi, giám sát;
- Bảo đảm tính công bằng, toàn diện và trao quyền.
Các loại quan hệ đối tác
Quan hệ đối tác trong GDNN liên quan đến việc chia sẻ trách nhiệm và quyền sở hữu giữa các bên liên quan trong các hoạt động GDNN. Theo UNESCO [7], có bốn loại hình quan hệ đối tác gồm: đối tác thông tin, đối tác tư vấn, đối tác hợp tác và đối tác cộng tác. Cùng một thời điểm, tại một tổ chức/quốc gia có thể đồng thời áp dụng nhiều cấp độ quan hệ đối tác khác nhau tùy thuộc vào cách tiếp cận được thực hiện, đặc biệt là theo lĩnh vực, quy trình/chức năng hoặc theo chủ thể.
Quan hệ đối tác thông tin
Cách tiếp cận dựa trên thông tin trong quan hệ đối tác bao gồm việc cung cấp thông tin cho các bên khác hoặc thu thập thông tin thông qua các kênh khác nhau. Nó cũng bao gồm việc tìm hiểu và xác định các cách thức, giải pháp cho công việc chung và thường không đi kèm với một cam kết cụ thể. Trong quan hệ đối tác này, mối quan hệ giữa các bên liên quan/đối tác rất hạn chế. Quan hệ đối tác thông tin tương ứng với mức độ tương tác thấp nhất giữa các chủ thể nhà nước và tư nhân và xã hội dân sự tham gia vào đào tạo nghề.
Quan hệ đối tác tư vấn
Cách tiếp cận dựa trên tư vấn trong quan hệ đối tác là hành động yêu cầu ý kiến hoặc khuyến nghị hợp lý và có tính chuyên môn từ một bên nào đó. Nó được đặc trưng bởi các cuộc họp hoặc các phương tiện thu thập thông tin khác do người yêu cầu khởi xướng để thu thập quan điểm của những người hoặc cơ quan được hỏi ý kiến. Phương pháp tư vấn này có thể được thực hiện thông qua các cơ quan được thành lập để nhóm các đối tác, hoặc theo dự án hoặc cá nhân.
Trong đào tạo nghề, tham vấn bao gồm việc lấy ý kiến hoặc khuyến nghị của các bên liên quan trong việc quản lý và/hoặc thực hiện hệ thống đào tạo nghề. Các ý kiến này có thể liên quan đến chính sách đào tạo, chiến lược và nội dung đào tạo, cơ chế tài chính, quản lý các cơ sở và trung tâm đào tạo, phương pháp xác nhận hoặc phân cấp quyền hạn. Loại hình hợp tác này không yêu cầu cam kết chính thức từ các đối tác nhưng để minh bạch nó phải đi kèm với phản hồi về hành động được thực hiện dựa trên các khuyến nghị.
Quan hệ đối tác dựa trên tư vấn chỉ tồn tại khi các cơ quan công quyền hoặc khu vực tư nhân cam kết tham khảo ý kiến của các đối tác khác trước khi xây dựng hoặc sửa đổi hệ thống đào tạo hoặc thực hiện một quy trình hoặc chức năng đào tạo nghề mà các đối tác được tư vấn tham gia tích cực.
Quan hệ đối tác hợp tác
Cách tiếp cận dựa trên hợp tác trong quan hệ đối tác là những trao đổi, thảo luận giữa hai hoặc nhiều bên liên quan với mục đích đạt được thỏa thuận trong việc đưa ra quyết định hoặc chuẩn bị hành động chung.
Theo đó, một quan hệ đối tác dựa trên sự hợp tác tập hợp các ý tưởng và đề xuất của các đối tác khác nhau và có nhữngbổ sung giữa mỗi bên. Nó thường được thực hiện trong một khuôn khổ chính thức (chẳng hạn: các ủy ban hợp tác đối tác). Quan hệ đối tác này dựa trên cam kết để tuân theo các quyết định được đưa ra trong các cuộc họp hợp tác. Trong đào tạo nghề, hợp tác có thể liên quan đến chính sách quốc gia hoặc các dự án cụ thể, ngành hoặc khu vực. Các cam kết phải được tôn trọng và thực hiện bởi từng đối tác. Việc không tôn trọng và không thực hiện các cam kết của mỗi bên có hậu quả tiêu cực đối với việc tiếp tục hợp tác. Các chủ thể trong thỏa thuận này thường có các mục tiêu chung sau:
Quan hệ đối tác dựa trên sự hợp tác thường yêu cầu các cơ quan chính phủ liên quan nhường một số đặc quyền của họ cho các đối tác tư nhân, các bên liên quan trong cộng đồng và các cơ quan có thẩm quyền,nhưng đổi lại cũng phải áp đặt một số khuôn khổ và đảm bảo sự giám sát cần thiết.
Quan hệ đối tác cộng tác
Cách tiếp cận dựa trên sự cộng tác trong quan hệ đối tác liên quan đến việc đóng góp vào một hành động và/hoặc chi phí chung. Việc tập hợp các nguồn lực này đi kèm với việc chia sẻ trách nhiệm và ra quyết định. Trong trường hợp này, các đối tác cùng nhau xác định các mục tiêu cần đạt được thông qua dự án hoặc việc thực hiện một chương trình đào tạo và chia sẻ trách nhiệm tài chính và/hoặc quản lý đối với nó.
Quan hệ đối tác dựa trên sự cộng tác là quan hệ đối tác trong đó Nhà nước, các chủ thể kinh tế (hiệp hội người sử dụng lao động và công đoàn) và các chủ thể xã hội dân sự cam kết làm việc cùng nhau trong toàn bộ hệ thống đào tạo hoặc trong các dự án chung thông qua phương thức đồng tài trợ và/hoặc đồng quản lý. Trong quan hệ đối tác dựa trên sự cộng tác, các mục tiêu được cùng đặt ra và tất cả các đối tác đều được phân công vai trò và trách nhiệm.
Trong quan hệ đối tác này, các hoạt động của các chủ thể nhà nước và tư nhân và sự đóng góp của họ có thể trải suốt quá trình đào tạo nghề nhằm làm cho hệ thống đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là trong việc phát triển và triển khai các hệ thống đào tạo nghề kép.
4. Thực tiễn thúc đẩy quan hệ đối tác trong giáo dục nghề nghiệp ở một số quốc gia
Hội đồng kỹ năng ngành ở Anh
Hội đồng kỹ năng ngành (HĐKNN) là các tổ chức kỹ năng do người sử dụng lao động lãnh đạo hoạt động ở cấp ngành. Họ được đại diện, thúc đẩy và hỗ trợ bởi Liên minh các Hội đồng Kỹ năng Ngành. Ủy ban Việc làm và Kỹ năng Vương quốc Anh (UKCES) chịu trách nhiệm cấp phép cho HĐKNN và liên kết HĐKNN với các hoạt động của chính phủ về phát triển kỹ năng. Các HĐKNN đứng vai trò trung gian làm cầu nối kết nối doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ và bên giáo dục và đào tạo giúp mang lại lợi ích cho các bên bao gồm cả người lao động. HĐKNN được xem giữ vai trò quan trọng theo kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách nhằm phát triển một hệ thống giáo dục và đào tạo theo “định hướng theo nhu cầu” và “do doanh nghiệp dẫn dắt” đồng thời cũng là nơi mà các chủ doanh nghiệp tham gia vào việc nâng cao kỹ năng nghề của quốc gia.
Hình 1: Mối quan hệ giữa Hội đồng kỹ năng ngành, Doanh nghiệp, Chính phủ và Giáo dục, đào tạo
Việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các HĐKNN là yêu cầu cấp bách. Để làm được điều này, các HĐKNN tại Anh đã thực hiện các hoạt động mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp như sau:
+ Giúp doanh nghiệp đưa ra tiếng nói của mình: các HĐKNN là cầu nối để đưa quan điểm của các doanh nghiệp tới cơ quan quản lý nhà nước, chính phủ, giúp tăng cường đối thoại với chính phủ, thể hiện được vai trò, tác động đến các chính sách liên quan đến phát triển kỹ năng và năng suất.
+ Cung cấp những tư vấn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn từ chính phủ;
+ Xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề là nền tảng để phát triển các trình độ phù hơp, giúp các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động một cách hiệu quả;
+ Cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin nghiên cứu về thị trường qua đó giúp doanh nghiệp có cơ sở để đưa ra những quyết định, chiến lược hiệu quả hơn;
+ Cung cấp các khóa đào tạo cho doanh nghiệp. Các HĐKNN giúp các doanh nghiệp xác định các khóa học, nhà cung cấp đào tạo tốt nhất. Đồng thời tăng ảnh hưởng của các doanh nghiệp đối với các đối tác giáo dục và đào tạo.
Sự tham gia của các đối tác xã hội trong hệ thống đào tạo kép ở Đức
Sự tham gia của các đối tác xã hội trong hệ thống đào tạo kép ở Đức là minh chứng điển hình cho quan hệ đối tác dựa trên cộng tác. Kể từ khi Đạo luật Đào tạo nghề (Berufsbildungsgesetz, BBiG) được thông qua vào năm 1969, người sử dụng lao động, công đoàn, phòng và các cơ quan chính phủ đã làm việc cùng nhau để đưa ra các quy định quản lý hệ thống đào tạo nghề trên toàn quốc. Mỗi ngành nghề trong số hơn 320 nghề đào tạo được nhà nước công nhận trong hệ thống kép đều có chương trình khung cũng như quy chế đào tạo đảm bảo chất lượng đồng nhất. Sự hợp tác của các công đoàn và người sử dụng lao động có hiệu lực ở tất cả các cấp của hệ thống kép: từ luật pháp đến giám sát các kỳ thi cuối kỳ. Quan hệ đối tác xã hội (“Sozialpartnerschaft”) của công đoàn và người sử dụng lao động là một yếu tố thành công của hệ thống đào tạo nghề kép. Theo đó, các đối tác xã hội thực hiện các hoạt động: (i) Dự thảo đề xuất các nghề đào tạo mới và cập nhật các nghề đào tạo hiện có (ii) Cử chuyên gia tham gia soạn thảo quy chế đào tạo (iii) Đàm phán các điều khoản trong thỏa ước tập thể, ví dụ liên quan đến mức trợ cấp trả cho học viên, (iv) Đưa ra nhận định chuyên gia trước quốc hội trong quá trình biên soạn chương trình. Sự tham gia của các đối tác xã hội trong quá trình cập nhật và giới thiệu nghề nghiệp đảm bảo rằng nhu cầu của thị trường lao động được xem xét. Vì vậy, hệ thống đào tạo kép là một công cụ quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu lao động có kỹ năng của Đức.
Kết luận
Các quan hệ đối tác trong giáo dục nghề nghiệp về bản chất phản ánh kỳ vọng về sự phù hợp giữa thế giới đào tạo và thế giới việc làm. Các quan hệ đối tác được coi là một công cụ để đáp ứng cả yêu cầu của người sử dụng lao động và sự hòa nhập xã hội-nghề nghiệp của người học cũng như quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy các mối quan hệ đối tác giữa các bên liên quan trong GDNN có thể được áp dụng cho các cơ sở GDNN Việt Nam gồm:
- Xác định loại quan hệ đối tác hợp tác phù hợp đối với từng bên liên quan trong quá trình xây dựng chính sách và triển khai, đánh giá đào tạo nghề và các hoạt động tiềm năng có thể được thực hiện giữa các bên. Thực tế cho thấy không phải sự sẵn sàng tham gia của các bên liên quan đều như nhau do đó đây là nhiệm vụ cần thiết khi xây dựng và triển khai các hoạt động
- Quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình tham gia vào đào tạo nghề. Thực tiễn ở Đức cho thấy trách nhiệm của các bên liên quan được chỉ rõ trong các văn bản Luật và quy định cụ thể do đó tạo được sự đồng thuận trong triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ HĐKNN tại Anh cho thấy việc doanh nghiệp nhận được quyền lợi phù hợp, tương xứng cũng thúc đẩy các mối quan hệ đối tác thuận lợi hơn./.