Theo các chuyên gia, việc liên kết chặt chẽ giữa trường nghề và doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết. Việc hợp tác này không chỉ giải quyết bài toán đầu ra việc làm cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp mà còn giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo đúng trọng tâm nhu cầu của thị trường lao động, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trong bối cảnh hiện nay.
Đây là những thông tin được các chuyên gia trao đổi, chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Xu hướng đào tạo nghề – góc nhìn đa chiều“ do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Các khách mời tham gia tọa đàm gồm: Ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Hà Nội; NGƯT, TS Phạm Xuân Khánh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội; ông Phan Quyết Long – Giám đốc Công ty TNHH xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long; em Vũ Thu Hường – sinh viên K15 lớp Cơ điện tử, Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Buổi tọa đàm là cơ hội để các bên thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Lựa chọn học nghề ngày càng tăng cao
Có mặt tại buổi tọa đàm, em Vũ Thu Hường sinh viên K15 lớp cơ điện tử, khoa cơ khí, trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Tại kỳ thi vào lớp 10, em đã đạt 39,5 điểm và đủ điều kiện vào các trường công lập trên địa bàn huyện Thạch Thất nơi em cư trú. Tuy nhiên em đã lựa chọn đi theo con đường học nghề.
Chia sẻ lý do chọn học nghề, Thu Hường thẳng thắn: ”Hiện nay xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp đã thay đổi, theo đó thay vì ưu tiên bằng cấp thì yếu tố kỹ năng mềm, năng suất đặt lên hàng đầu khi tuyển dụng. Theo học ở trường nghề ngoài việc học kiến thức, em còn được học kỹ năng mềm, học thực hành nhiều song song với việc học lý thuyết. Từ đó, em có thể phát triển bản thân, có khả năng tự lập và sẽ có cơ hội việc làm sớm hơn các bạn cùng tuổi”. Ngoài ra, cô gái trẻ cũng cho rằng nếu cố gắng học tập thì sau khi ra trường, bản thân hoàn toàn có thể có một công việc ổn định với mức thu nhập tốt.
Ngoài ra, cô gái trẻ cho biết rất nhiều bạn học cùng lớp cũng lựa chọn học nghề. “Trong dòng họ và nơi em sinh sống có rất nhiều anh, chị thay vì học tiếp cấp 3 đã lựa chọn học chương trình 9+. Và sau khi tốt nghiệp mọi người vừa có song song 2 bằng. Nhiều anh, chị ngay khi còn đang học trong trường đã được các công ty, doanh nghiệp về tận trường ngỏ ý tuyển dụng với mức lương khá cao so với thị trường lao động hiện nay kèm theo đó là những chính sách đãi ngộ rất tốt như: phụ cấp ăn ca, bồi dưỡng nghiệp vụ, bảo hiểm đầy đủ”. Thu Hường tự tin rằng nếu cố gắng học tập thì sau khi ra trường, bản thân hoàn toàn có thể có một công việc ổn định với mức thu nhập tốt.
Ở góc độ quản lý, ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hà Nội đánh giá, học nghề đang là xu hướng hiện nay. Phụ huynh, học sinh đã nhận thức đúng hơn về bản chất, mục đích của việc học nghề. Thay vì coi việc học nghề là một con đường thứ yếu, nhiều phụ huynh giờ đây đã nhìn nhận nó như một hướng đi chủ động và có giá trị trong việc xây dựng tương lai cho con em mình.
Bên cạnh đó, ông Thảo cũng cho biết thêm, công tác giáo dục nghề nghiệp đã có sự thay đổi và phát triển tích cực hơn. “Hiện nay, chúng ta có hơn 300 đơn vị tham gia đào tạo nghề; trong đó 150 trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội. Hằng năm có khoảng hơn 200 nghìn người lao động tham gia thị trường được đào tạo từ các cơ sở này.
Có thể thấy, các cơ sở đào tạo nghề hiện nay đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại; nhiều giáo viên có chất lượng tay nghề giỏi; nội dung chương trình đã được nhà trường thay đổi để ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều lao động đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công ty, doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo nghề của Hà Nội ngày càng được khẳng định khi chỉ số đào tạo lao động trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI của Hà Nội liên tục xếp thứ hạng cao trong những năm qua”, ông Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Thảo thừa nhận bên cạnh những mặt được đào tạo nghề trên địa bàn Thủ đô đã được nâng cấp, cải tiến nhưng cùng với đó cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn cụ thể như: Hà Nội có ít trường được đầu tư đồng bộ, hiện đại, trong khi đó xu hướng đào tạo nhân lực cần tiếp cận với phương pháp, máy móc hiện đại tầm quốc tế.
“Nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất đóng vai trò quan trọng, yếu tố quyết định trong sự cạnh tranh của mỗi quốc gia. Vì vậy, các trường phải tập trung đào tạo theo hướng chất lượng chứ không theo đại trà, số lượng, để nguồn lực lao động có thể vươn ra thị trường thế giới. Từ đó, các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để có việc làm với mức thu nhập tốt”, ông Thảo cho biết
Về tình trạng thừa thầy thiếu thợ, ông Thảo cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ. “Đối với nhà trường, chúng ta phải tự khẳng định mình, thay đổi để làm sao đào tạo ngày càng chất lượng, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, không tách doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, cần tranh thủ sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Vì vậy nhà trường phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Đây là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay”.
Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động
Theo các chuyên gia, để thực sự là nơi lựa chọn đáng tin cậy của thí sinh và phụ huynh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước để đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi ra trường.
Theo TS.Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội, những năm gần đây, xu hướng học và làm nghề đang có những chuyển biến tích cực. Ông đánh giá thế hệ trẻ hiện nay đang chuyển mình cùng công nghệ số, đón đầu xu hướng toàn cầu. Các em dễ dàng nắm bắt thời cuộc và dám vượt ra khỏi những quan niệm khuôn mẫu, những lối mòn trong tư tưởng cũ như phải đậu đại học, học đại học mới có thể thành công.
Mặt khác, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp đang ngày càng trở lên phong phú. Thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề không thấp, đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành khát nhân lực như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử…
Đánh giá từ nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp hiện nay, ông Phạm Xuân Khánh cho biết Trường Cao đẳng Công nghệ Cao luôn hạn chế việc sinh viên ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp do vậy nhà trường đã chọn cho mình lối đi riêng khi chủ động bắt tay chặt chẽ, sâu rộng với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đảm bảo hiệu quả mục tiêu kép, đó là nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.
“Nguồn lực từ việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên có thêm địa điểm thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, mà còn hỗ trợ nhà trường trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; liên kết đào tạo, công nhận văn bằng, chứng chỉ… đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo”, TS. Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh.
Đặc biệt hơn, Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện việc cam kết bằng văn bản – đảm bảo 100% học sinh, sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm hoặc có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 7 – 20 triệu/tháng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phan Quyết Long, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long, cho biết: “Là đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất phụ trợ công nghiệp cho đa ngành nghề, tiêu chí lựa chọn lao động của công ty không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư, mà tập trung đánh giá về khả năng đáp ứng cơ bản của sinh viên mới ra trường, nhất là kỹ năng mềm trong nhà máy”.
Minh chứng từ thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, nhất là khi doanh nghiệp còn đặt hàng trước nguồn nhân lực tốt nghiệp xong có thể đi làm ngay.
Ông Long cho hay “Thời gian gần đây doanh nghiệp đã đồng hành với các em học sinh, sinh viên ngay từ lúc vào trường. Năm đầu học sinh được học tự do, năm 2 các em có thể đi thực tập tại doanh nghiệp và được trả lương. Ngoài ra, sinh viên được thực tập, nâng cao trình độ bởi các chuyên gia tại Công ty và được hưởng lương trong quá trình thực tập. Sau tốt nghiệp, 100% sinh viên được nhận vào Công ty làm việc (cam kết làm việc tối thiểu 3 năm), được hưởng toàn bộ quyền lợi theo Luật Lao động hiện hành.
“Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty sử dụng 100% lao động đã qua đào tạo. Những lao động đã qua đào tạo có kỹ năng về lý thuyết chuyên môn. Và cuối cùng là kỹ năng về nghề. Ba yếu tố này là rất cần thiết đối với doanh nghiệp.Hiện công ty đang có một số dự án phát triển mới cho năm 2025, nên trong thời gian tới, dự tính cần số lượng lao động chất lượng cao trên 500 người”, ông Long chia sẻ thêm.
Thúc đẩy góc nhìn đa chiều trong xu hướng đào tạo nghề là một yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường hiện nay. Thay vì chỉ tập trung vào kĩ thuật, đào tạo nghề cần mở rộng thêm các khía cạnh như phát triển kĩ năng mềm, tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường lao động trong bối cảnh hiện nay. Góc nhìn đa chiều này không chỉ giúp học viên chuẩn bị tốt hơn cho công việc thực tế mà còn tạo điều kiện để có thể phát triển toàn diện, từ đó dễ dàng hòa nhập hơn với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Diệu Linh