08/09/2024 5:41:12

Thị trường sản phẩm từ tế bào gốc: Hỗn loạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Sử dụng tế bào gốc là phương pháp làm đẹp bằng cách áp dụng công nghệ lăn kim, cấy tế bào gốc tại các spa, viện thẩm mỹ, nhằm tạo ra các tế bào mới từ tế bào gốc giúp trẻ hóa làn da. Do những tác dụng ưu việt của tế bào gốc, số lượng người dùng ngày càng nhiều, khiến thị trường mua bán và sử dụng sản phẩm này trở nên hỗn độn, khó phân biệt thật, giả.

Mập mờ nguồn gốc xuất xứ

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý và thẩm mỹ là xu thế phát triển chung của nền y học thế giới hiện đại, mang lại cho bệnh nhân cơ hội khỏi bệnh nhanh và sức khỏe ổn định sớm hơn so với các phương pháp điều trị truyền thống.

Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở nước ta được bắt đầu từ năm 1995 và đặc biệt được chú ý sau khi Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành.

Do tính ưu Việt và tác dụng mang lại từ tế bào gốc nên người sử dụng ngày càng nhiều. Theo tìm hiểu của phóng viên Nghề nghiệp và Cuộc sống, tế bào gốc hiện đang phổ biến và được ưa chuộng dưới dạng viên uống bên trong hay dạng serum bôi bên ngoài.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân biệt và sử dụng tế bào gốc như thế nào cho hiệu quả và an toàn. Đặc biệt, nhiều người sử dụng chỉ nghe theo lời quảng cáo của người bán, mà không hề biết sản phẩm tế bào gốc mình mua đã được cơ quan chức năng nào kiểm chứng và cấp phép hay chưa?

Chị Đặng Thị Hà (Đông Anh, Hà Nội), một người làm việc trong lĩnh vực y tế cho biết: “Trong những năm gần đây, người tiêu dùng thường thấy các sản phẩm được quảng cáo là tế bào gốc dạng uống, chiết xuất từ nhau thai cừu, ngựa…, giúp trẻ hoá và đẹp da cùng nhiều tác dụng khác cho sức khoẻ. Hầu hết cửa hàng đều quảng cáo đây là sản phẩm xuất xứ từ Nhật, Pháp…, nhưng khi hỏi giấy tờ, nhân viên thường tránh là chỉ có chủ mới được giữ giấy tờ xuất xứ rồi trấn an khách rằng rất nhiều người đã mua và sử dụng hiệu quả”.

Theo chỉ dẫn của chị Hà, chúng tôi đã vào cở sở “Hằng Trần Mart” nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Tại đây bày bán rất nhiều sản phẩm từ tế bào gốc. Đặc biệt, sản phẩm nhau thai ngựa nhãn hiệu MELSMON dạng tinh chất lỏng, sản phẩm đường uống, nguồn gốc từ Nhật Bản theo thông tin trên vỏ hộp.

Sản phẩm MELSMON được nhân viên Hằng Trần Mart quảng cáo xuất xứ Nhật Bản nhưng không cung cấp được giấy tờ chứng minh.

Khi chúng tôi hỏi mua, nhân viên bán hàng quảng cáo: “MELSMON là sản phẩm dòng tế bào gốc dạng uống, có tác dụng nhanh nhất và được ưa chuộng nhất hiện nay, thương hiệu về tế bào gốc lâu đời nhất của Nhật Bản cũng như nổi tiếng nhất trên thế giới”.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về giấy tờ chứng mình nguồn gốc xuất xứ, nhân viên cửa hàng không cung cấp được. Ngoài MELSMON, tại Hằng Trần Mart còn bày bán một số sản phẩm khác, như thực phẩm chức năng Taiso nguồn gốc Nhật Bản được quảng cáo là có khả năng chống cảm cúm và phòng chống Covid nhưng nhân viên đều không cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ khi được hỏi.

Sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ để tự bảo vệ sức khỏe bản thân

Kinh doanh sản phẩm từ tế bào gốc có tỷ suất lợi nhuận rất lớn, nên ngày càng nhiều cửa hàng và người kinh doanh online nhập hàng từ các nguồn không chính thống để bán, khiến thị trường trở nên hỗn độn, khó phân biệt thật giả.

Hằng Trần Mart bày bán khá nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng chữa bệnh hay làm đẹp nhưng không cung cấp được giấy tờ chứng minh xuất xứ.

Ngày 28/5 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất một cơ sở và phát hiện nhiều vi phạm liên quan việc quảng cáo và kinh doanh các sản phẩm liên quan công nghệ tế bào gốc. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện tài khoản Facebook “Bombit Ehlbio Viet Nam” đăng tải nội dung quảng cáo sản phẩm BOMBIT HSC – dịch chiết tế bào trung mô, được quảng cáo là tiên phong trên thị trường châu Á.

Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất công ty nhập khẩu, phân phối và 2 cơ sở hợp tác kinh doanh các sản phẩm nhãn hàng Bombit trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, 2 cơ sở hợp tác kinh doanh sản phẩm nhãn hàng Bombit đều chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động lĩnh vực khám chữa bệnh. Cả hai đơn vị này đều không phải là bệnh viện hay phòng khám, cũng không phải thẩm mỹ viện được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Ngoài 2 cơ sở được kiểm tra và phát hiện sai phạm, còn rất nhiều cửa hàng và cá nhân kinh doanh online đang bán tràn lan rất nhiều sản phẩm từ tế bào gốc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và cả nước chưa được kiểm tra, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về sức khỏe người tiêu dùng.

Để giải quyết những tồn tại trong nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc và định hướng phát triển trong giai đoạn 2024 – 2030, Bộ Y tế đề xuất giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nghiên cứu ứng dụng tế bào. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần thành lập mạng lưới nghiên cứu để chia sẻ các nguồn lực cho các đơn vị liên quan, hướng dẫn thành lập trung tâm nghiên cứu tiền lâm sản, trung tâm kiểm định chất lượng độc lập.

Trong lúc chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, trước khi sử dụng sản phẩm từ tế bào gốc, để đảm bảo sức khỏe bản thân, người tiêu dùng nên tham khảo các thông tin về nhà phân phối chính hãng của sản phẩm để nhận được sự hướng dẫn và chịu trách nhiệm cho các vấn đề liên quan tới sản phẩm.

Chúng tôi sẽ liên hệ với Sở y tế Hà Nội để tiếp tục phản ánh thông tin tới bạn đọc.

An Nhiên