31/08/2021 11:33:18

Thí điểm đào tạo 20 ngành, nghề mới trong thời đại 4.0 cho gần 5.000 người

Đào tạo mới ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp cho khoảng 4.800 người; đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 300.000 lượt lao động…

Đây là những mục tiêu đáng chú ý trong Đề án “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa được ban hành.

Ngày 30/8/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Ưu tiên lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao

Chương trình nhằm xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ GDNN để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời gắn kết, đáp ứng nhu cầu của DN về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.

Ưu tiên đào tạo các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Theo Chương trình, giai đoạn 2021-2025 sẽ: Đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp; ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người;

Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300 nghìn lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm;

Xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực GDNN nhằm thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Lựa chọn cơ sở GDNN, doanh nghiệp để “đặt hàng”

Thực hiện các mục tiêu kể trên, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ, gồm: Đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại; xây dựng các chương trình đào tạo, đào tạo lại; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở GDNN và người dạy trong DN; lựa chọn các cơ sở GDNN, DN để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại; tổ chức đào tạo, đào tạo lại; tổng kết, đánh giá kết quả đào tạo, đào tạo lại.

Việc đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tại lại sẽ trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các DN theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày và các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, trên cơ sở xác định nhu cầu đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động (nhất là lao động phổ thông) đang làm việc trong những ngành nghề bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại các DN sử dụng nhiều lao động, có ngành nghề lao động giản đơn (ngành nghề có năng suất lao động thấp, lao động có kỹ năng thấp; lao động có nguy cơ thất nghiệp…).

Đối với việc lựa chọn các cơ sở GDNN, DN để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại, sẽ xây dựng tiêu chí lựa chọn và khảo sát, đánh giá năng lực, điều kiện của các cơ sở để làm căn cứ quyết định.

Nhà nước đặt hàng các cơ sở GDNN được lựa chọn tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại trong Chương trình theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên; đặt hàng các cơ sở GDNN hoặc DN được lựa chọn để đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác trong Chương trình;

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại tại cơ sở GDNN hoặc tại DN hoặc kết hợp cả hai phương thức theo hình thức vừa học vừa làm, thời gian đào tạo phù hợp theo tính chất của kỹ năng và mức độ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng; tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của DN phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại DN…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình.

Theo Chương trình, nguồn kinh phí triển khai Chương trình bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ LĐ-TB&XH; Nguồn thu sự nghiệp của các trường tham gia đào tạo; Kinh phí từ các quỹ hợp pháp theo quy định của pháp luật; Kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các dự án hợp tác quốc tế, nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và nguồn vốn hợp pháp khác.

Hải Yến