04/01/2022 10:11:25

Thêm ca nhiễm Omicron, Việt Nam ứng phó như thế nào?

Tại Hà Nội, các tỉnh Bắc Miền Trung, miền Tây… F0 cộng đồng vẫn rất phức tạp. Bộ Y tế xác nhận đến nay Việt Nam ghi nhận 24 ca nhiễm siêu biến chủng Omicron. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.778.976 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 18.040 ca nhiễm.

Đầu tháng 12, Bộ Y tế liên tiếp phát đi nhiều cảnh báo về nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron. Cơ quan này cũng có nhiều văn bản đề nghị các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Theo nhiều chuyên gia, việc Omicron lây lan đến Việt Nam là tất yếu sự giao thương quốc tế.

Trong thông tin tối 3/1, Bộ Y tế thống kê Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 bởi biến chủng Omicron. Tất cả đều là người trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Các trường hợp này được ghi nhận tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Bệnh nhân ở Hà Nội đã được xuất viện ngày 2/1. Năm trường hợp ở TP.HCM cũng có kết quả xét nghiệm âm tính. Các bệnh nhân này không có triệu chứng lâm sàng, nồng độ virus thấp và nhanh khỏi bệnh.

Theo CDC Hải Dương, ca nhiễm Omicron tại tỉnh này đã âm tính và được xuất viện. Những người có liên quan tại khu cách ly (2 người cùng phòng, người phục vụ cơm nước, 2 cán bộ chăm sóc tại Trung đoàn 125, 2 cán bộ y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương) đều âm tính với SARS-CoV-2.

Trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân viên y tế và chính quyền cơ sở để tổ chức tốt điều trị tại nhà, tại cơ sở cho người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ thấp và trung bình.

Điều này nhằm tránh tình trạng dồn F0 lên bệnh viện các tuyến gây quá tải. Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế, có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.

Về phía Bộ, cơ quan này đang tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch do chủng Omicron gây ra, thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.

Tại Việt Nam, ngay từ khi trên thế giới ghi nhận ca mắc biến chủng, cuối tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã chủ động chuẩn bị cho giải pháp đáp ứng với biến chủng này, trong đó yêu cầu giám sát những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để giải mã gen, phát hiện sớm biến chủng Omicron.

Ngay từ ngày 28/11, để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19;

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi;

Đồng thời đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Tiếp đó, ngày 29/11, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.

Ngày 6/12, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước biến chủng Omicron.

Tại công điện này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng Omicron như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Žimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique…) và một số quốc gia khu vực châu Âu;

Ngày 17/12, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron.

Tại văn bản này, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh), phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron.

Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó, gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gen xác định biến chủng Omicron.

Vương Tâm