30/11/2020 10:46:06

Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên GDNN và tự chủ trong các cơ sở GDNN

Sau hai lần tham vấn các ý kiến chuyên gia, Chiến lược Phát triển Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Tổng cục GDNN tổ chức đã hoạch định được các quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện cơ bản. Ở lần tham vấn thứ ba vừa diễn ra tại Cà Mau, một lần nữa, các nội dung trong Chiến lược đã nhận được rất nhiều đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học và những người trong nghề; nhiều giải pháp được đưa ra, hứa hẹn GDNN sẽ có một bản Chiến lược phát triển đúng tầm.

Đội ngũ giáo viên GDNN là yếu tố then chốt

Những năm gần đây GDNN đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng. Sự chuyển biến đến từ yêu cầu tự nhiên của quy luật phát triển xã hội và sự chuyển biến đến từ chính nhu cầu tồn tại của các cơ sở GDNN. Song, quá trình chuyển biến, làm mới mình, GDNN cũng đã trải qua không ít áp lực, khó khăn. Nhận thức của xã hội về học nghề chưa đầy đủ; vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, đặc biệt là khó khăn về đội ngũ giáo viên…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu (Ảnh: Đức Kiên)

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Lê Quân nhấn mạnh:”GDNN của chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó, thách thức về đội ngũ giảng viên đang rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải “tháo” được cơ chế để các thầy cô gần hơn với thị trường lao động, phải đào tạo bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ để thầy cô năng động hơn.”

Các đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, chúng ta đang thiếu một đội ngũ thầy cô giỏi cả lý thuyết và thực hành. Vì thế, để đáp ứng được yêu cầu đào tạo cho khoảng 78 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên, trong thời gian từ nay đến 2025, thì chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN phải được đặc biệt quan tâm. Vấn đề đặt ra, phải có cơ chế về tiền lương, về đào tạo, bồi dưỡng… để thu hút các nhà giáo giỏi ở lại với GDNN. “Muốn làm được điều này, nhất thiết phải tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở GDNN từ thu chi tài chính, mua sắm trang thiết bị giảng dạy học tập đến mở ngành đào tạo trong khuôn khổ luật pháp cho phép… để giúp cơ sở GDNN phát triển đội ngũ nhà giáo của mình theo định hướng phát triển của Nhà trường” – PGS.TS. Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Kỹ thuật Vĩnh Long kiến nghị.

Trong bối cảnh giai đoạn 2021 – 2030, khi tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều biến động do đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao, yêu cầu của thị trường lao động đòi hỏi NLĐ phải đạt chuẩn nghề nghiệp theo hướng tiếp cận thế giới…khiến cho GDNN dù có bước phát triển mạnh mẽ nhưng chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh nên tuyển sinh còn khó khăn và vẫn là vùng trũng so với các bậc đào tạo khác.

Đặc biệt trong xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, chuyển đổi đổi số và tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Đây là thách thức lớn và cơ bản với năng lực dự báo nhu cầu lao động và kỹ năng hiện nay của Việt Nam. Cùng với đó, các dòng dịch vụ đào tạo từ các nước phát triển vào các nước đang phát triển trong đó có Việt nam tạo ra sự cạnh tranh mới trong hệ thống đào tạo của Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu chỉ đạo trực tuyến từ trụ sở Tổng cục GDNN

Đứng trước những khó khăn, thách thức nhưng GDNN vẫn có rất nhiều cơ hội để phát triển. Từ điểm cầu trụ sở Tổng cục GDNN, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đã chia sẻ với những khó khăn của các cơ sở GDNN. Đồng thời mong muốn, lần tham vấn này, các đại biểu tham dự sẽ dành hết tâm huyết, phân tích, đánh giá và đề xuất những giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại của GDNN cũng như các giải pháp phát triển lĩnh vực này trong tương lai. “Làm sao để chúng ta có được một bản Chiến lược phát triển GDNN xứng tầm nhất và là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, làm định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống GDNN trong thời gian 10 năm tới” – ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Tăng tự chủ cho các cơ sở GDNN

Sau hai lần tham vấn các ý kiến chuyên gia, Chiến lược Phát triển Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Tổng cục GDNN tổ chức đã hoạch định được các quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện cơ bản. Nêu rõ mục tiêu hình thành và phát triển hệ thống GDNN phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng và bền vững. Tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả của GDNN, nhất là đào tạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng cho doanh nghiệp và thị trường lao động, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Ở lần tham vấn thứ ba các nhà khoa học, các nhà quản lý ở các cơ sở GDNN đã tập trung thảo luận ba nhóm vấn đề còn nhiều ý kiến, bao gồm: Vấn đề mở, linh hoạt của hệ thống; tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững; quản lý, đảm bảo chất lượng GDNN. Trong đó, nội dung tự chủ, đưa doanh nghiệp trở thành một phần của GDNN nhận được nhiều ý kiến tâm huyết.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Đức Kiên)

TS. Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho rằng, nếu tự chủ, hoạt động của cơ sở GDNN sẽ giống như doanh nghiệp. Tức là, họ sẽ được tự quyết định về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế… Và điểm chung giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp là, nếu ký được nhiều đơn hàng hay tuyển sinh được nhiều học viên sẽ giúp doanh nghiệp, cơ sở GDNN sống tốt, sống khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu “đơn hàng” của các cơ sở GDNN bị vượt chỉ tiêu, cơ quan chức năng sẽ lập tức “tuýt còi” theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Điều này là một bất cập cần được tháo gỡ.

“Do đó, cần thiết phải xây dựng một cơ chế sao cho hiệu trưởng có quyền như một giám đốc doanh nghiệp” – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang Đặng Thanh Thủy đề xuất.

Vấn đề liên quan đến chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN cũng nhận được nhiều ý kiến. Các đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, chúng ta đang thiếu một đội ngũ thầy cô giỏi cả lý thuyết và thực hành. Vì thế, để đáp ứng được yêu cầu đào tạo cho khoảng 78 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên, trong thời gian từ nay đến 2025, thì chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN phải được đặc biệt quan tâm. Vấn đề đặt ra, phải có cơ chế về tiền lương, về đào tạo, bồi dưỡng… để thu hút các nhà giáo giỏi ở lại với GDNN. “Muốn làm được điều này, nhất thiết phải tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở GDNN từ thu chi tài chính, mua sắm trang thiết bị giảng dạy học tập đến mở ngành đào tạo trong khuôn khổ luật pháp cho phép… để giúp cơ sở GDNN phát triển đội ngũ nhà giáo của mình theo định hướng phát triển của Nhà trường” – PGS.TS. Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Kỹ thuật Vĩnh Long kiến nghị.

Thanh Thúy (T/h theo daibieunhandan.vn)