“Để vận hành nền kinh tế số, chúng ta cần con người số, cụ thể là nguồn nhân lực được trang bị những kỹ năng số, năng lực số. Trong đó, không thể thiếu vai trò của đối tượng thực hiện đổi mới sáng tạo, mà cụ thể là các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công ty khởi nghiệp… Đặc biệt, trong hệ sinh thái này, các trường đại học đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho nền kinh tế”.
Đó là khẳng định của PGS. TS Đào Ngọc Tiến – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương tại tọa đàm: “Vai trò Blockchain trong phát triển Kinh tế số” .
Như Nghề nghiệp & Cuộc sống đã đưa tin, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội (FTU) và lãnh đạo, đại diện của một số doanh nghiệp số cuối tuần qua đã tổ chức buổi tọa đàm “Vai trò của Blockchain trong phát triển kinh tế số”, cùng với lễ ký kêt phối hợp toàn diện giữa VBA và FTU…
“Nền kinh tế số cần con người số”
Với chủ đề trọng tâm là kinh tế số, sự kiện cung cấp cái nhìn đa chiều về khái niệm này và mở ra những sáng kiến, chiến lược tăng cường đào tạo nhân sự tham gia kiến tạo nền kinh tế số tương lai.
Trong đó, PGS. TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định 4 đặc điểm của nền kinh tế số bao gồm việc xem tài nguyên là dữ liệu, chú trọng phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, nảy sinh các mô hình kinh doanh mới và đặt người tiêu dùng vào vai trò mới.
Theo PGS, TS. Đào Ngọc Tiến, trong bối cảnh bùng nổ nhu cầu về nhân lực số như các lập trình viên, kỹ sư CNTT, phần mềm – cần có sự phối hợp giữa các bên, giữa hiệp hội với nhà trường, nhà trường với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực đổi mới sáng tạo.
Cũng theo ông Tiến, trước hết kịch bản mà Việt Nam cần xác định là sẽ trở quốc gia nhập khẩu hay xuất khẩu các mô hình mới trong kinh tế số. Và để trở thành nhà xuất khẩu, đóng góp vào GDP cho quốc gia thì câu chuyện nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế số vẫn là bài toán trước tiên được đặt ra với mọi ngành nghề.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định: “Để vận hành nền kinh tế số, chúng ta cần con người số, cụ thể là nguồn nhân lực được trang bị những kỹ năng số, năng lực số”.
Ông Tiến đưa ra một mô hình cho thấy muốn xây dựng nền kinh số phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan bao gồm các cá nhân (người tiêu dùng, chủ sở hữu…), doanh nghiệp (doanh nhân, nhà đầu tư), các nhà hoạch định, ảnh hưởng chính sách (chính phủ, hiệp hội) và cuối cùng không thể thiếu vai trò của đối tượng thực hiện đổi mới sáng tạo, mà cụ thể là các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công ty khởi nghiệp… Trong đó, các trường đại học đào tạo đa ngành như FTU đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho nền kinh tế.
Nối tiếp phần tham luận lý giải khái niệm kinh tế số, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cung cấp một góc nhìn về việc blockchain có thể được đưa vào nền kinh tế này như thế nào.
Theo ông Trung, thanh toán xuyên biên giới là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng blockchain rất mạnh mẽ. Trước đây, một số thách thức của thanh toán xuyên biên giới là thời gian kéo dài, hệ thống vận hành cồng kềnh và chi phí tra soát cao.
Nhưng nếu ứng dụng blockchain trong thanh toán quốc tế thì sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí trung gian, tăng tốc độ chuyển tiền. Ông dẫn ra một số tổ chức và ngân hàng đang nghiên cứu blockchain trong thanh toán quốc tế bao gồm J.P.Morgan, R3 với dự án Corda, hoặc ở Việt Nam có Vietcombank, HSBC, TPBank…
Cũng trong tham luận tại Tọa đàm, ông Nguyễn Bách Việt – Giám đốc Chiến lược Microtec Việt Nam chia sẻ về vai trò này của công nghệ Blockchain, công nghệ giúp chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số.
Theo ông Việt, trong nền kinh tế số có 3 đóng góp vai trò lớn gồm: Quy trình số – Để vào được nền kinh tế số thì cần phải có quy trình số hóa nhằm giảm thiểu thời gian chờ để trôi trong dòng chảy kinh tế số sẽ nhanh hơn; Hợp đồng điện tử – Việc này sẽ giảm giảm quá trình, thao tác ký kết, đóng dấu; Hoàn tất – Có vai trò hoàn tất giao dịch trong nền kinh tế số.
Trong đó, nền tảng Blockchain đóng góp với vai trò cung cấp dữ liệu giúp truy vết các công đoạn trong quá trình sản xuất xem sản phẩm đi qua những đơn vị nào và các thiết bị IOT sẽ giảm thiểu công việc của con người để làm những công việc vòng lặp.
Thuận lợi của sinh viên khi bước vào nền kinh tế số
Trong hai phiên đối thoại và thảo luận sau đó, các chuyên gia đi sâu vào việc làm thế nào để trang bị cho sinh viên tham gia vào nền kinh tế số, vì đây là lực lượng lao động sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của Việt Nam trong tương lai.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng sinh viên ngày nay có nhiều thuận lợi hơn thế hệ trước. Cụ thể, ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch AlphaBooks và ông Nguyễn Minh Tuấn – Founder TOPI kiêm CEO AFA Capital cho rằng sách và internet chính là những phương tiện hiệu quả để tiếp cận nguồn tri thức công nghệ, từ đó nâng cao các kỹ năng số, nhưng quan trọng nguồn tri thức đó phải được gạn lọc, chuẩn hóa.
Ông Tuấn nhấn mạnh các sinh viên không nên chỉ biết kiếm tiền mà cốt lõi của việc tham gia vào kinh tế số chính là tạo ra giá trị, giải quyết vấn đề cho người khác, giảm thiểu về mặt thời gian, tăng tính hiệu quả, đặc biệt là với công nghệ blockchain.
Còn ở phía nhà trường – đại diện cho nhóm đối tượng thực hiện đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế, đại diện Trường Đại học Ngoại thương khẳng định đã có những chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng cho sinh viên.
Theo PGS. TS Hoàng Xuân Bình – Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, FTU là một trong những trường có thế mạnh về thương mại, kinh doanh, ngân hàng nhưng đã mạnh dạn thêm vào những ngành mới liên quan đến khoa học dữ liệu. Trong đó, Khoa Kinh tế Quốc tế đã tiên phong đưa nhiều môn học liên quan đến kinh tế số vào giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học trong các chương trình đào tạo.
Về phía các doanh nghiệp, ông Trần Quang Chiến – Founder ONUSChain khuyên các sinh viên nên tự mày mò và thành thạo sử dụng các sản phẩm công nghệ, cụ thể là các sản phẩm công nghệ tiên phong như blockchain. Bà Mai Ngô – Chuyên gia Giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain cũng cho biết, triển vọng việc làm trong ngành Blockchain rất rộng mở, ngoài việc tiếp xúc với các kênh thông tin, bà Mai Ngô cho rằng sinh viên còn có thể tham gia thực tập, làm việc part-time cho các doanh nghiệp công nghệ để được hướng dẫn.
Khép lại buổi tọa đàm, PGS. TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định lại triết lý giáo dục khai phóng của Trường Đại học Ngoại thương, gắn liền với thực tiễn và đổi mới sáng tạo, do đó có rất nhiều mô hình đào tạo liên kết với các doanh nghiệp.
Nhưng trong bức tranh lớn hơn của nền kinh tế số, Đại học Ngoại thương không thể đi một mình mà cần có sự hợp tác, liên kết với các tổ chức khác trong công tác đào tạo, nghiên cứu và của cộng đồng và sự liên kết hợp tác với các hiệp hội, với các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học trong và ngoài nước là không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay.
Tuấn Việt