22/12/2022 6:09:13

Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng ĐH Ngoại thương liên kết thúc đẩy đào tạo nhân lực kinh tế số

Ngày 22/12, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức lễ ký kết hợp tác toàn diện, phối hợp cùng trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phổ cập các công nghệ số – trong đó có Blockchain tại nhà trường.

Lễ ký kết hợp tác giữa Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam và trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Bên cạnh đó, điểm nhấn của lễ ký kết là buổi tọa đàm về: “Vai trò Blockchain trong phát triển Kinh tế số” nhằm góp phần cung cấp thông tin tổng quan từ các đại biểu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, doanh nghiệp tới học viên, sinh viên… về việc phát triển công nghệ Blockchain.

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Trường ĐH Ngoại thương (FTU) định hướng trở thành ngôi trường đổi mới sáng tạo. Đây là xu hướng tất yếu phù hợp với đặc điểm, truyền thống lịch sử và tương lai của trường, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số của Đảng và Nhà nước”.

Ông Bùi Anh Tuấn khẳng định, nhà trường nhận thức rất rõ vai trò của kinh tế số, vai trò của Blockchain, trong phát triển đại học, trong nghiên cứu và trong đào tạo. Theo đó, sứ mệnh của FTU là đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện những mục tiêu trên, chuẩn bị những hành trang và xây dựng các chương trình đào tạo mới…

PGS. TS Bùi Anh Tuấn cho biết Trường Đại học Ngoại thương hiện giảng dạy các ngành khoa học xã hội nhưng đang có định hướng trở thành Đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Cụ thể là mở ra các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ, trong đó có các môn về Khoa học dữ liệu, Kinh tế số và Fintech. Đồng thời nhà trường cũng đã triển khai các chương trình vệ tinh, xây dựng giáo án, tiến hành giảng dạy theo mục tiêu này…

Theo ông Tuấn, thông qua lễ ký kết, hai bên có thể tăng cường phối hợp, hỗ trợ cùng nhau trong mục tiêu, sứ mạng chung; nhất là tăng cường giới thiệu, quảng bá với cộng đồng về Blockchain – lĩnh vực còn rất nhiều dư địa, tiềm năng phát triển.

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cũng cho biết: “Trường Đại học Ngoại thương không chỉ phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam mà đã cùng rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp ở đây đồng hành để đạt được các mục tiêu chung xây dựng kinh tế số vững mạnh”.

Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, GS. TS Hoàng Văn Huây – Chủ tịch Hiệp hội khẳng định “Blockchain là cơ sở dữ liệu công khai mà không ai có thể thay đổi được về nội dung hay về lịch sử, có thể được ứng dụng vào thương mại quốc tế, các ngành kinh tế, kỹ thuật, thậm chí giáo dục đào tạo, quản lý tài nguyên, đất đai và quản lý nhân sự…

GS. TS Hoàng Văn Huây – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain phát biểu tại sự kiện.

Trong phần phát biểu, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đồng thời nhấn mạnh ba mục tiêu của buổi ký kết.

Trước hết là phối hợp đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến công nghệ Blockchain và kinh tế số; xây dựng chương trình giảng dạy và tham khảo các môn học chuyên ngành và các môn học có liên quan đến công nghệ blockchain.

Thứ hai là nguồn nhân lực ấy phải thực sự có chuyên môn, trình độ cao, biết cách ứng dụng những gì đã học vào phát triển kinh tế số.

Cuối cùng là hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng Blockchain để phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, nhất là trong thương mại quốc tế.

Blockchain: Mỏ vàng trong kinh tế số nhưng khung pháp lý là điều tối quan trọng đối với sự phát triển

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nổi bật trong khu vực ASEAN. Hiện, nền kinh tế số ở Việt Nam được dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trong các công nghệ số, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đang là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng cho cuộc CMCN lần thứ 4 tại Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ trên toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thúc đẩy sử dụng giao dịch kỹ thuật số thông qua Blockchain vào rất nhiều lĩnh vực như: dịch vụ ngân hàng, sản xuất công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, y tế, bán lẻ và tiêu dùng, cũng như áp dụng phục vụ các lĩnh vực công.

Ứng dụng Blockchain không chỉ thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, chủ động với cuộc CMCN lần thứ 4 mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm. Dự kiến vào năm 2030, blockchain sẽ tạo ra 40 triệu việc làm, 10% – 20% cơ sở hạ tầng kinh tế toàn cầu sẽ chạy theo các hệ thống công nghệ Blockchain.

Trong tham luận trình bày tại tọa đàm, PGS, TS. Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương đã cung cấp 4 đặc điểm nhận diện của nền kinh tế số với: Dữ liệu số, công nghệ thông tin truyền thông, các mô hình kinh doanh mới và vai trò mới của người tiêu dùng…

Theo PGS, TS. Đào Ngọc Tiến, trong bối cảnh bùng nổ nhu cầu về nhân lực số như các lập trình viên, kỹ sư CNTT, phần mềm – cần có sự phối hợp giữa các bên, giữa hiệp hội với nhà trường, nhà trường với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực đổi mới sáng tạo.

Cũng theo ông Tiến, trước hết kịch bản mà Việt Nam cần xác định là sẽ trở quốc gia nhập khẩu hay xuất khẩu các mô hình mới trong kinh tế số. Và để trở thành nhà xuất khẩu, đóng góp vào GDP cho quốc gia thì câu chuyện nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế số vẫn là bài toán trước tiên được đặt ra với mọi ngành nghề.

Tiếp nối PGS, TS. Đào Ngọc Tiến, trong phần tham luận, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain có phần trình bày khá cụ thể về Blockchain, các xu hướng ứng dụng Blockchain, đóng góp của công nghệ này với hoạt động thương mại quốc tế; đặc biệt là những rủi ro, mặt trái của công nghệ này trong tiến trình phát triển.

Qua phân tích các rủi ro, những “case study” tiêu biểu, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh, thông qua sự sụp đổ của hàng loạt nền tảng và hệ sinh thái tiền mã hóa đã khiến đại đa số các cơ quan quản lý trên thế giới nhận ra tầm quan trọng của CHÍNH SÁCH và KHUNG PHÁP LÝ với sự phát triển ổn định, lành mạnh của Blockchain và những ứng dụng cụ thể của nền tảng này.

Tuấn Việt