Tỉ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2010-2020 trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh, giáo dục đạt nhiều thành quả và có sự dịch chuyển nguồn nhân lực khỏi nông nghiệp. Để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc tăng năng suất lao động là chìa khóa quan trọng.
Đây là nhận định được đưa ra tại báo cáo mới của WB về đói nghèo và bình đẳng với tựa đề “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp” công bố chiều 28/4. Báo cáo đưa ra đánh giá về tiến độ giảm nghèo của Việt Nam trong một thập kỷ tính từ năm 2010 đến năm 2020 và xem xét những yếu tố cần có để duy trì sự dịch chuyển kinh tế theo hướng đi lên và đảm bảo kinh tế cho những người đã thoát nghèo.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, quá trình giảm nghèo và bình đẳng của Việt Nam không chỉ là vấn đề nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo kinh niên – tức chặng đường cuối, mà còn là chặng kế tiếp – hướng tới tạo ra những đường hướng kinh tế mới và bền vững cho người dân. Đây là một con đường đầy thử thách và chưa có tiền lệ trong bối cảnh kinh tế và khí hậu toàn cầu đang thay đổi.
Tỉ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2010-2020 trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh, giáo dục đạt nhiều thành quả và có sự dịch chuyển nguồn nhân lực khỏi nông nghiệp. Việt Nam cần có các đường hướng dịch chuyển kinh tế bền vững để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong vòng 2 thập kỷ tới.
Theo báo cáo của WB, từ năm 2010 đến năm 2020, tỉ lệ nghèo theo chuẩn của tổ chức này đối với các nước có thu nhập trung bình thấp là 3,2 USD mỗi ngày đã giảm từ 16,8% xuống 5%, nghĩa là 10 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, trong nửa sau của thập kỷ, tăng trưởng tiêu dùng của các hộ giàu đạt tốc độ nhanh hơn so với tăng trưởng tiêu dùng của các hộ nghèo, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tốc độ giảm nghèo ở Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam cũng chậm hơn.
Năng suất lao động là chìa khóa để giảm nghèo
Gần đây, COVID-19 đã làm gián đoạn quá trình tạo việc làm và tăng thu nhập, có khả năng đẩy lùi tiến bộ trong giảm nghèo và gia tăng bất bình đẳng hơn nữa do thu nhập của phụ nữ, những người làm việc trong khu vực phi chính thức và các hộ gia đình nghèo nhất phục hồi chậm, nhất từ giữa năm 2020 đến tháng 3/2021.
Để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc tăng năng suất lao động là chìa khóa quan trọng. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,7% hằng năm, điều kiện cần để Việt Nam đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần phải tăng từ 5,3% mức ghi nhận trong giai đoạn 2012-2018, mức cao nhất trong ba thập kỷ qua, lên 6,6%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển đổi sang việc làm với kỹ năng cao hơn nếu không tiếp tục cải cách giáo dục, phát triển kỹ năng và chuyển đổi thị trường lao động. Đặc điểm chính của thị trường lao động là các ngành nghề có kỹ năng cao lại có tốc độ tăng trưởng chậm, tỉ lệ phi chính thức cao và lực lượng lao động già hóa. Việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ là một bước quan trọng.
Báo cáo của WB nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo, nhưng một bộ phận dân số đáng kể vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế. Cứ khoảng 5 người Việt Nam thì có một người sống dưới ngưỡng an ninh kinh tế là 5,5 USD một ngày.
Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Việt Nam tiến tới vị thế thu nhập cao một cách toàn diện. Mở rộng nguồn thu ngân sách, nghiên cứu các sắc thuế mới, đồng thời loại bỏ các khoản trợ cấp kém hiệu quả có thể giúp tài trợ cho các khoản đầu tư công cần thiết để xóa bỏ đói nghèo và phát triển tầng lớp trung lưu.
Thu Cúc/VGP