18/11/2020 9:37:31

Tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm đem lại lợi ích như thế nào?

Chính phủ đã công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi (BHTG) với mức chi trả tối đa dự kiến tăng lên 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi dự kiến tăng lên 125 triệu đồng. Ảnh minh họa.

Việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm này trong tương lai sẽ có tác động tới nhiều đối tượng.

Hạn mức BHTG hiện hành là 75 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG, nếu điều chỉnh lên 125 triệu đồng nghĩa là hạn mức sẽ tăng  66%, theo đó đây là một mức tăng tương đối lớn. Bên cạnh đó, thời điểm điều chỉnh hạn mức lần này đã rút ngắn lại so với trước đây, cho thấy tổ chức BHTG, cơ quan quản lý ngân hàng cũng như Chính phủ đã có những thay đổi trong cách thức đánh giá, phân tích mức độ phù hợp của hạn mức, nhằm đưa công cụ chính sách quan trọng này bắt kịp với những bước phát triển của hệ thống ngân hàng và mức thu nhập của quốc dân.

Dù hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, song không phải đợi đến lúc chi trả cho người gửi tiền, hạn mức mới có ý nghĩa thực tiễn. Hạn mức BHTG cao hơn trước hết là một sự bảo đảm tốt hơn, một sự cam kết mạnh mẽ hơn của Chính phủ, NHNN và tổ chức BHTG trong khả năng của mình để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Cụ thể, những lợi ích đem lại từ việc này là gì?

Thứ nhất, tăng hạn mức để bảo vệ người gửi tiền được tốt hơn, tạo niềm tin vào hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Hạn mức 125 triệu đồng có thể bảo hiểm toàn bộ lên đến 90-94% người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tiệm cận gần mức theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm quốc tế IADI là trong khoảng 90-95%. Đối tượng thụ hưởng đầu tiên chính là những người gửi tiền, trong khi họ không phải đứng ra “mua” hay nộp phí như với các loại hình bảo hiểm thương mại. Hạn mức này cũng không làm tăng phí BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG, giúp cho các tổ chức này không phải chịu thêm gánh nặng tài chính trong bối cảnh đang phải tập trung nguồn lực thực hiện cơ cấu lại và ứng phó với tác động bất lợi từ dịch Covid-19.

Thứ hai, hạn mức BHTG là một sự trấn an về mặt tâm lý, ngay cả trong điều kiện bình thường, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định. Nếu đa số người gửi tiền đã được bảo vệ toàn bộ trong phạm vi hạn mức, nguy cơ bị mất tiền gửi khi một vài tổ chức tín dụng nhỏ lẻ đổ vỡ càng được tối thiểu hóa, từ đó hạn chế nguy cơ người gửi tiền rút tiền hàng loạt khi có những biến động trong hoạt động ngân hàng.

Thứ ba, các tổ chức tín dụng cũng có được thuận lợi trong hoạt động huy động vốn. Với hạn mức trả tiền bảo hiểm đủ lớn sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, từ đó khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống. Khi đó, nguồn vốn tiết kiệm trong nước cho đầu tư phát triển được thu hút, tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế thế giới bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch.

Thứ tư, hình ảnh và vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với công chúng sẽ được nâng cao hơn. Đây là một cách truyền thông tới công chúng hiệu quả, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh của BHTGVN. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/09/2020 tổng tài sản của BHTGVN đã tăng lên gần 68 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ (thể hiện khả năng chi trả của BHTGVN theo quy định của Luật BHTG) đạt hơn 61 nghìn tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng giúp BHTGVN có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Từ những phân tích trên, có thể thấy hạn mức BHTG là nội dung chính sách sát sườn, trực tiếp nhất tác động tới quyền lợi của người gửi tiền. Hạn mức BHTG được gia tăng như nội dung dự thảo mới đây Chính phủ công bố chắc chắn sẽ là một điểm tựa củng cố niềm tin của người gửi tiền, gia tăng hoạt động ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Theo KTNT