19/04/2025 7:54:17

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong giai đoạn mới

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký Công văn số 4860/BTC-BHXH gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhằm đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

Công văn nêu rõ, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu – các đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố – việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo định hướng của Đảng và Nhà nước đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ người tham gia BHXH đạt khoảng 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHTN đạt 34,18% và BHYT đạt khoảng 94,29% dân số cả nước. So với năm 2020, các con số này lần lượt tăng 9,91%, 7,15% và 3,32%.

Đáng chú ý, quyền lợi của người dân tham gia các loại hình bảo hiểm được bảo đảm ngày càng tốt hơn, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ. Những tiến bộ này đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố lưới an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Tổ chức lại hệ thống BHXH để tăng hiệu quả hoạt động

Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam cũng đang được điều chỉnh theo hướng phù hợp với yêu cầu mới. Theo đó, hệ thống BHXH sẽ được tổ chức lại từ 63 cơ quan cấp tỉnh và 640 cơ quan cấp huyện thành 35 BHXH khu vực và 350 BHXH cấp huyện.

Đây là bước đi nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, đồng thời chuẩn bị điều kiện để triển khai hiệu quả nhiệm vụ theo cơ cấu tổ chức mới. Mục tiêu đề ra trong năm 2025 là đạt 45,1% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35,1% tham gia BHTN và trên 95,15% dân số tham gia BHYT.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị các đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHXH, BHYT đến cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt, cần làm rõ những nội dung mới trong Luật BHXH (sửa đổi) và Luật BHYT nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Thứ hai, căn cứ vào các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, các địa phương cần đưa mục tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào kế hoạch của Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, ban hành đầy đủ chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân, người lao động tham gia bảo hiểm.

Thứ ba, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan chức năng và cơ quan BHXH trong việc phát triển người tham gia, giảm nợ đọng BHXH và bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ.

Thứ tư, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với BHXH khu vực để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài về BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, không để xảy ra tình trạng bệnh nhân phải tự chi trả.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các nền tảng số như VssID, VNeID trong quản lý, giám sát và thanh toán chi phí KCB BHYT. Các cơ sở KCB cần cập nhật kịp thời, đầy đủ dữ liệu và phối hợp với cơ quan BHXH để thực hiện giám định, thanh toán đúng quy định, tránh thất thoát quỹ bảo hiểm.

Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát, phản biện xã hội và vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT.

Thứ sáu, chỉ đạo cơ quan BHXH khu vực và cấp huyện thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện, qua đó giúp các cấp ủy, chính quyền kịp thời có biện pháp chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp.

Công văn cũng thể hiện sự kỳ vọng vào sự đồng hành, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ từ phía các địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nói chung và các chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sẽ là nhân tố quyết định giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu bao phủ bảo hiểm toàn dân, từng bước xây dựng hệ thống an sinh xã hội hiện đại, công bằng và bền vững.

PV