Theo đó, các tỉnh, thành phố được yêu cầu thống kê theo 4 nhóm doanh nghiệp chính trong nền kinh tế, gồm: Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ảnh minh họa |
Cụ thể, về tiền lương, thưởng Tết, công đoàn cơ sở được yêu cầu chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết và sớm công khai cho người lao động. Các địa phương sẽ chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất nắm tình hình nợ lương 2019, tiền lương và kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh trong dịp Tết dương lịch 2020 và Tết Nguyên Đán Canh Tý cho người lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
Về tình hình nợ lương năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương tập trung vào các nhóm: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ. Đặc biệt phân tách rõ các nguyên nhân gây nợ lương như: Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp khó khăn.
Cũng trong ngày hôm nay, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch chăm lo cho đoàn viên công đoàn và công nhân viên chức lao động trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Theo đó, công đoàn các cấp sẽ tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với đoàn viên, người lao động; tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; tổ chức hoạt động “Hỗ trợ phương tiện đối với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết” và phối hợp xử lý những phát sinh liên quan đến quyền lợi của người lao động xảy ra trong dịp Tết.