Một phụ huynh tại trường Tiểu học Tây Sơn (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh với báo chí, họ phải bỏ ra số tiền lớn để mua sách vở, đồ dùng học tập. Điều đáng nói là nhà trường và đơn vị phát hành không thông báo, giải thích rõ ràng với phụ huynh đâu là sách giáo khoa (bắt buộc phải mua) và đâu là sách bổ trợ, tham khảo (không bắt buộc).
Kết quả, phụ huynh phải mua cả “combo” sách và đồ dùng lớp 1 do Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội phát hành, với 19 cuốn, có giá là 305.500 đồng. Cộng thêm bộ hình khối môn Toán, bộ đồ dùng Toán – Tiếng Việt cũng của công ty của Công ty cổ phần thương mại EPE với giá vài trăm nghìn đồng nữa.
Cầm trên tay danh mục 19 loại sách, vở, đồ dùng học tập nhà trường yêu cầu phải mua cho con vào lớp 1, chị Nguyễn Phương Hoa, (Hoàng Mai, Hà Nội) thắc mắc không biết vì sao tiền sách năm nay lại tăng vọt lên đến 709.000 đồng/bộ. Trong khi cậu con trai lớn nhà chị, mọi năm chỉ tốn khoảng hơn 300.000 đồng tiền sách vở.
Tương tự, chị Lê Phương (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, ngày từ cuối tháng 7 khi đăng ký hồ sơ cho con vào lớp 1, các cô giáo đã yêu cầu phụ huynh mua bộ sách giáo khoa để giữ chỗ và nhà trường đặt hàng sách trước khi vào năm học mới.
Danh mục sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục chị Phương phải mua cho con gồm 21 loại, trong đó có 8 đầu sách giáo khoa, đi kèm là 8 vở bài tập, các bộ dụng cụ bổ trợ học tập… với giá hơn gần 700.000 đồng/bộ.
Đặc biệt, một phụ huynh có con vào học lớp 1 trường Tiểu học An Phong, Quận 8, TP.HCM mới đây phản ánh, từ giữa tháng 7, trường mầm non nơi con chị theo học làm hồ sơ cho trẻ vào lớp 1 (nhà trường làm hộ cho nhiều phụ huynh) báo với chị tiền mua sách là 807.000 đồng.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong nhìn nhận trường đã sai khi thông báo không rõ ràng, phân định sách bắt buộc với sách tham khảo, nên gây hiểu lầm.
Năm nay trường tuyển hơn 280 học sinh lớp 1. Khi phát hồ sơ nhập học hồi tháng 7, trường in danh mục 9 sách giáo khoa bắt buộc, gồm một cuốn tiếng Anh để phụ huynh tự đi mua.
Ngoài ra, trên bảng thông báo của trường có danh mục 25 sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dụng học tập. Mục đích nhằm giúp phụ huynh có thể lựa chọn để bổ trợ cho con mình. “Chúng tôi không ép buộc phụ huynh phải mua sách ở trường hay phải mua đủ số sách này. Phụ huynh nào không có điều kiện tự đi mua thì đăng ký ở thư viện trường, chúng tôi mua giúp theo đúng giá niêm yết”, ông Phong nói.
Ngày 18/5, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn gửi các Phòng GD&ĐT, các trường THPT trực thuộc. Trong văn bản này, Sở GD&ĐT đưa ra danh mục sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà NXB Giáo dục Việt Nam gửi đến các Sở GD&ĐT.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và các đơn vị trực thuộc tổ chức đăng ký đặt mua theo nhu cầu trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh. Ngoài các sách theo quy định, các trường không được tổ chức để bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo khác, các loại vở và học liệu khác. Tuyệt đối không lạm dụng việc thu nộp từ phụ huynh học sinh làm ảnh hưởng uy tín và công tác quản lý của nhà trường.
Tuy nhiên, văn bản của Sở GD&ĐT có kèm theo công văn của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội với danh sách các loại sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà phụ huynh cần mua, gồm cả sách giáo khoa và sách bổ trợ. Danh sách không phân biệt đâu là sách giáo khoa, đâu là sách bổ trợ.
PV (th)