29/10/2020 9:52:47

Quỹ Citi Việt Nam: Hiệu quả từ một dự án đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội

Gần 2.000 thanh niên được hỗ trợ dạy nghề, 90% trong số đó đã có việc làm, từ dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên các huyện ngoại thành Hà Nội giúp họ ổn định sinh kế bền vững”. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của những kết quả mà Dự án này mang lại.

Đào tạo nghề gắn kết với giới thiệu việc làm

Dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội” do Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển (M&D) và Quỹ Citi phối hợp tổ chức, thực hiện được triển khai từ tháng 6/2015 nhằm giúp thanh niên ngoại thành Hà Nội dược đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, có cơ hội tiếp cận việc làm để thu nhập nhằm ổn định cuộc sống, góp phần phát triển sinh kế bền vững.

Sau 5 năm triển khai, Dự án này đã thu được những thành công đáng kể. Cụ thể, dự án đã đã tổ chức được 52 khoá đào tạo cho 8 ngành nghề: May công nghiệp, kỹ thuật chế biến món năn, mây tre giăng đan, thêu tay truyền thống, gốm Bát tràng, gỗ mỹ nghệ, khảm trai mỹ nghệ, nón làng Chuông. Gần 1.700 thanh niên tại 14 huyện và 1 quận (Long Biên) trên địa bàn Hà Nội được học nghề từ những lớp học này.

Bà Nguyễn Bích Vượng, Giám đốc của Trung tâm M&D phát biểu tại Hội nghị tổng kết Dự án

Dự án không chỉ dừng ở đào tạo nghề mà còn hỗ trợ thanh niên có việc làm, giúp họ phát triển kỹ năng nghề để có cơ hội tiếp cận việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn nhằm phát triển sinh kế bền vững, hướng tới khởi sự kinh doanh.

“100% học viên từ các lớp đào tạo của Dự án được giới thiệu tiếp cận việc làm trong qua trình tham gia lớp nghề. Trung bình có gần 90% học viên có việc làm sau đạo tạo cùng với sự ghi nhận và đánh giá tốt từ chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chỉ trong giai đoạn 5 của Dự án (10/2019 – 9/2020), 350 học viên thuộc 7 làng nghề ở Hà Nội đã được đào tạo, cấp chứng chỉ và 305 học viên trong số đó đã có việc làm ngay”, bà Nguyễn Bích Vượng, Giám đốc Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển (M&D), cho biết.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Dự án, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Đối ngoại của Citi Việt Nam, phát biểu: “Nằm trong chiến lược các dự án hỗ trơ tài chính phát triển mà Quỹ Citi đang triển khai trên toàn cầu, dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội” do Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển và Quỹ Citi phối hợp được đánh giá là một dự án mang lại hiệu quả tốt. Dự án đã hướng đến đối tượng thanh niên nông thôn và đã thành công trong việc gắn đào tạo với việc làm. Đặc biệt, các lớp đào tạo đã chú trọng đào tạo các nghề truyền thống tại các làng nghề Việt Nam, giúp cho việc duy trì phát triển nghề truyền thống, giữ vững bản sắc văn hóa của địa phương thông qua các sản phẩm làng nghề”.

“Đây là dự án đào tạo nghề gắn với việc làm cho thanh niên thành công nổi bật và là một dự án điển hình cần được phát huy mà quỹ Citi đã và đang triển khai trên phạm vi toàn cầu”, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Đối ngoại của Citi Việt Nam, nói

Chuyện của người trong cuộc

Anh Vũ Đình Kim (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) sau khi được đào tạo nghề theo chương trình dự án đã có việc làm ổn định tại Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ Hạ ở địa phương. Anh Vũ Đình Kim chia sẻ: “Trước đây, do chi phí học nghề khá cao, nên tôi không có điều kiện học. Qua dự án, tôi được học nghề khảm trai miễn phí từ tháng 12/2018. Sau 3 tháng, tôi đã nắm chắc các kiến thức cơ bản và có việc làm ngay, thu nhập ổn định”.

Sau khi được đào tạo nghề theo chương trình dự án giai đoạn 2017-2018, anh Lê Tuấn Anh đã mở công ty Tranh thêu tay Hùng Anh (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội), đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Một lớp học làm nón của Dự án. 100% học viên của lớp học này đã được cấp chứng chỉ nghề và 90% đã có việc làm ngay sau khi kết thúc khoá học

Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc trung tâm Dạy nghề Tư thục Mây tre đan Phú Vinh cho biết: “Năm 2018, tham gia thực hiện Dự án, Trung tâm đã phối hợp mở 2 lớp đào tạo nghề mây tre đan cho 70 thanh niên. Sau khóa đào tạo, đã có 65 thanh niên được tuyển dụng và có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

“Năm nay do tác động của dịch Covid-19 nên một số ngành, nghề bị ảnh hưởng. Song, nhìn chung, nhờ kết hợp đào tạo tại làng nghề với doanh nghiệp nên hầu hết học viên của các lớp nghề truyền thống đều có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học, có thu nhập ổn định tại địa phương. Thành công của dự án không chỉ giúp các học viên có việc làm, tạo thu nhập ổn đỉnh cuộc sống mà còn giúp họ tiếp cận với cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn nhằm phát triển sinh kế bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống tại Hà Nội”, bà Nguyễn Bích Vượng, chia sẻ.

PV