Trong một ngày, Quốc hội vừa làm nhân sự, vừa xây dựng pháp luật, vừa mổ xẻ những kế hoạch rất lớn về kinh tế, xã hội, ngân sách.
Sáng 2/11 Quốc hội bắt đầu đợt họp trực tiếp của kỳ họp thứ 10, tất cả đại biểu đều tập trung tại phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Ngay sáng ngày thứ nhất, các kế hoạch lớn về kinh tế, xã hội, ngân sách … đã được đặt lên bàn nghị sự tại 19 tổ thảo luận.
Gồm, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (trong đó có thảo luận một số nội dung liên quan các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng).
Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 cũng nằm trong nội dung thảo luận.
Ngoài ra, nội dung thảo luận tổ còn có dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025. Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Buổi chiều, Quốc hội họp riêng, nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, sau đó thảo luận tổ về nội dung trên.
Quốc hội cũng nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và tiến hành thảo luận ở Đoàn về việc này.
Cuối giờ chiều Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Như vậy, chỉ trong một ngày, Quốc hội vừa làm nhân sự, vừa xây dựng pháp luật, vừa mổ xẻ những kế hoạch rất lớn về kinh tế, xã hội, ngân sách. Tất cả những kế hoạch lớn đó đều đã được Chính phủ trình Quốc hội từ đầu kỳ họp thứ 10, trong đợt họp trực tuyến.
Có thể điểm lại một vài con số dự kiến đáng chú ý của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm sau như GDP tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%;. Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 – 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP…
Về tài chính, Chính phủ đề xuất tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả giai đoạn 2021 – 2025 khoảng7,8 triệu tỷ đồng và chỉ tiêu tăng thu nội địa bình quân khoảng 8,8%/năm. Còn kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến vốn đầu tư từ nguồn NSNN là 2.750.000 tỷ đồng.
Cơ quan thẩm tra còn băn khoăn, các vị đại biểu Quốc hội chắc chắn cũng phải cân nhắc rất kỹ khi quyết định những chỉ tiêu của năm sau, khi Covid – 19 vẫn đang là ẩn số khó lường, lũ lịch sử đã và đang gây hậu quả nặng nề ở miền trung.
Sau khi thảo luận tại tổ, những kế hoạch lớn nói trên sẽ tiếp tục được đưa ra hội trường bàn thảo liền ba ngày. Thứ sáu (6/11) hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu, trong 5 ngày làm việc của tuần này thì có tới 4 ngày phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Theo baodautu.vn