Quảng Trị không chỉ là mảnh đất của những người con kiên trung bất khuất trong các cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, mà còn là vùng đất thiêng lưu giữ hàng ngàn phần mộ liệt sỹ là những người con ưu tú của khắp mọi miền đất nước. Từ nhiều năm nay Quảng Trị luôn là điểm sáng về công tác thực hiện chính sách chăm sóc người có công với cách mạng.
99% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình khu dân cư
Quảng Trị là một trong số ít địa phương có số lượng thương binh, liệt sỹ và người có công với đất nước khá lớn, chiếm tỷ lệ 19,43% dân số trong toàn tỉnh. Theo thông kế của Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 19.172 liệt sỹ, 11.805 thương binh, 2.242 bệnh binh, 2.786 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, 77.400 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, 14.631 người có công với nước, 5.064 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học được giải quyết trợ cấp ưu đãi.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã coi công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung chỉ đạo.
Tỉnh đã chủ động ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch về chăm sóc người có công; phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với 5 chương trình tình nghĩa, đó là: Chương trình xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa; Chương trình ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở gia đình; Chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chương trình chăm sóc bố mẹ, vợ liệt sỹ già yếu cô đơn, phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và đỡ đầu con liệt sỹ. Quan tâm đến chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở; ưu đãi trong giáo dục – đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm.
Bình quân mỗi năm, tỉnh tổ chức điều dưỡng cho trên 7.680 lượt người có công, trong đó điều dưỡng tập trung trên 1.200 lượt người, góp phần nâng cao sức khỏe và tinh thần cho người có công. Thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công cách mạng kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ.
Từ năm 2012 – 2020, toàn tỉnh đã vận động được trên 96 tỷ đồng, trong đó xây mới 1.920 nhà tình nghĩa và sửa chữa 387 nhà. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 1.230 nhà ở cho người có công với số tiền 49,2 tỷ đồng và hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 3.245 nhà ở cho người có công với số tiền 64,9 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã cơ bản giải quyết nhà ở cho các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ Liệt sỹ, thương binh các hạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà tạm bợ, dột nát;
99% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư. Đến cuối năm 2020 không còn hộ gia đình người có công thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có 123/141 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ.
Chăm lo nâng cấp, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ
Quảng Trị được ví như một trong những “Bàn thờ Tổ quốc” linh thiêng của đất nước, toàn tỉnh có tới 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia là nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và nghĩa trang liệt sỹ đường Chín; 7 nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện, 60 nghĩa trang liệt sỹ cấp xã và 3 nghĩa trang liệt sỹ cấp thôn quản lý với trên 60 vạn mộ liệt sỹ.
Một số nghĩa trang liệt sỹ cấp xã nhưng cũng có gần 2.000 mộ liệt sỹ; có xã có đến 03 nghĩa trang.
Ông Đỗ Thi – cán bộ Văn phòng UBND tỉnh cho biết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tâm niệm không chỉ chăm sóc tốt người có công còn sống mà luôn phải có trách nhiệm chăm sóc phần mộ liệt sỹ là con em của 52 tỉnh thành trên cả nước đang yên nghỉ tại quê hương mình để góp phần sưởi ấm cho gia đình các thân nhân Liệt sỹ. Giai đoạn từ năm 2012 – 2020, tỉnh đã đầu tư gần 212 tỷ đồng cho công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ, trong đó: Nguồn vốn chung tay chăm sóc nghĩa trang do các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” là 100,850 tỷ đồng.
Đình Thi