28/10/2022 5:50:37

Quảng Ninh gắn kết “5 nhà”, phát triển nguồn nhân lực cho thị trường lao động

Sáng 28/10, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Ninh chủ trì tổ chức Hội thảo gắn kết 5 nhà “Nhà nước- Nhà trường- Nhà khoa học – Nhà tuyển dụng- Nhà đầu tư” trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động  của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 ở các ngành nghề mũi nhọn.

Toàn cảnh hội thảo

Nâng tầm kỹ năng, nâng chỉ số năng lực cạnh tranh(PCI)

Tranh thủ thời cơ dân số vàng, những năm qua , tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” với một trong 3 giải pháp đột phá là tập trung đào tạo nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng cho các ngành nghề kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trong 5 năm qua, với phương châm và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, lấy đó là thước đo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Quảng Ninh đã trở thành địa phương luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số này. Kể từ năm 2017 đến năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 72% lên 85,5%;  tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 40% lên 46%. góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 64,5% (năm 2015) lên 85% (năm 2021).

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thực tế khảo sát và đánh giá cho thấy, trình độ tổ chức quản lý, sử dụng cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất ch­ưa thật sự hiệu quả, còn thiếu nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có kỹ năng và tay nghề cao.

Đại diện các DN lớn tỉnh Quảng Ninh tham dự và đóng góp ý kiến.

Do vậy  việc đẩy mạnh đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, nâng tầm kỹ năng lao động của địa phương gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là giải pháp hàng đầu được các đại biểu tại hội thảo quan tâm.

Phát triển GDNN gắn với chuyển đổi số

Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Quảng Ninh với quan điểm “Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Ông Vũ Quang Trực – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo.

Theo đó 5 giải pháp trọng tâm được ông Vũ Quang Trực – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh trình bày gồm: Thứ nhất, xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.

Thứ 2, xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất – kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.

Thứ 3, đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động thông qua nâng cao năng lực, phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về cung, cầu đào tạo nghề nghiệp.

Thứ 4, đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp đặc biệt các ngành nghề khoa học – kỹ thuật – công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia kết hợp với điều tra định kỳ hoặc đột xuất về nhu cầu lao động, nhu cầu kỹ năng, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và phản hồi của người tốt nghiệp phục vụ quản lý và đào tạo.

Thứ 5, tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đặc biệt, ông Trực cũng nhấn mạnh sự phát triển hệ thống GDNN, cụ thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh CMCN 4.0 cần phải được gắn với chuyển đổi số. Qua đó, xây dựng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung, hỗ trợ dạy học trực tuyến các cấp độ trong GDNN; phát triển kho học liệu số các trình độ, ngành nghề đào tạo và liên kết quốc tế. Chú trọng tới việc đầu tư nâng cấp xưởng thực hành nghề thành “nhà xưởng số” thông qua các thiết bị thực hành ảo, ứng dụng trong các ngành nghề phù hợp, đẩy nhanh hướng tiếp cận cho người học thông qua công nghệ số.

Mặt khác, tăng cường nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động. Gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng; gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với nhà trường và doanh nghiệp.

Trên cơ sở các nội dung triển khai và ý kiến tham gia của các đại biểu, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ cùng với Sở Khoa học công nghệ, Ban Quản lý Khu kinh tế, các cơ sở GDNN và các nhà đâu tư, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nâng cao hơn nữa công tác phối hợp, gắn kết giữa các bên trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giải quyêt việc làm sau đào tạo trong thời gian tới.

+ Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có có 17.142 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, thu hút hơn 236.000 lao động. Trong đó, hơn 233.000 lao động thuộc các doanh nghiệp đang hoạt động.

+ Số doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 110 dự án (40 dự án trong nước, 70 dự án FDI). Trong đó, có 70 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút khoảng 34.700 lao động.

+  Hằng năm, Quảng Ninh cần bổ sung khoảng 30.000 đến 60.000 lao động.

+ Dự kiến đến năm 2025, nhu cầu nguồn nhân lực cần đến 821,94 nghìn người. Đến năm 2030 cần 874,25 nghìn người.

+ Nhu cầu nguồn nhân lực ở các nhóm ngành nghề: Chế biến chế tạo cần khoảng 130.000 lao động ( đến năm 2025), 180.000 lao động ( đến năm 2030); Vận tải, kho bãi, Logictic cần khoảng 62.000 người (2025), khoảng 71.000 người (2030); Dịch vụ du lịch cần khoảng 170.000 người (2025); khoảng 210.000 người (2030).

Thu Thủy