Đó là một trong những điểm nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy Cần Thơ – Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng đã nêu rõ trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Cần Thơ hôm 22/8.
Tại buổi làm việc, ông Hiếu đã đánh giá cao kết quả thực hiện năm học vừa qua của ngành Giáo dục. Song song đó, ông cũng đề nghị UBND thành phố sớm có văn bản chỉ đạo công tác chuẩn bị điều kiện cho năm học mới, trong đó từ công tác nhân sự, tuyển dụng đến cơ sở vật chất, đồng thời giao nhiệm vụ cấp uỷ, chính quyền địa phương phối hợp cùng ngành giáo dục để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các cơ sở giáo dục bước vào năm học mới tâm thế phấn khởi, sẵn sàng.
Ngành Giáo dục là ngành có khối lượng cán bộ công chức đông nhưng khó khăn về nhà ở rất nhiều. Lãnh đạo Thành uỷ đề nghị Sở Xây dựng khi triển khai nhà ở xã hội phải quan tâm nhóm lực lượng này, phải có danh sách, ưu tiên và thông tin đầy đủ các cơ quan để cán bộ nhân viên đăng ký, để cán bộ an tâm công tác đóng góp chung cho sự phát triển thành phố.
GD&ĐT cũng phải gắn với phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hiện nay đang quyết liệt dịch chuyển kinh tế xã hội, đó là phát triển công nghệ, xây dựng và dịch vụ thương mai, nông nghiệp công nghệ cao…
Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết: “Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT thành phố đã linh hoạt, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả trên nhiều phương diện. Để đảm bảo thực hiện kế hoạch giáo dục năm học mới 2023 – 2024, Sở đã chỉ đạo các trường phổ thông bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu như phòng chức năng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật để bảo đảm chất lượng việc dạy học”.
“Hiện nay, toàn thành phố có 7.151 phòng học và phòng chức năng. Trong đó, mầm non 1.785 phòng, tiểu học 3.140 phòng, trung học cơ sở 1.346, trung học phổ thông 880 phòng. Việc đầu tư, nâng cấp sửa chữa trường lớp được quan tâm thực hiện. Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, các đơn vị trực thuộc thực hiện nâng cấp, sửa chữa 08 trường THPT với kinh phí 14,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2022; tham mưu UBND thành phố thống nhất chủ trương nâng cấp, sửa chữa 13 trường trung học phổ thông từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2023 với tổng mức đầu tư trên 18 tỷ đồng.
Đối với các cơ sở giáo dục thuộc quận, huyện quản lý, UBND quận, huyện đã lập kế hoạch thực hiện nâng cấp, cải tạo 94 trường và xây dựng mới 14 trường từ nguồn kinh phí thành phố bố trí. Sở cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tổng vệ sinh trường học, đảm bảo cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp và phù hợp với môi trường giáo dục; đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong và xung quanh trường, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bán hàng rong, mất trật tự an toàn giao thông trước cổng trường; phối hợp với cơ quan y tế địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa các dịch bệnh như tay chân miệng, bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết,…trong trường học; kiểm tra các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các đơn vị có bếp ăn tập thể và căn tin” – ông Trần Thanh Bình nói.
Trước đó, đoàn lãnh đạo Thành ủy cũng đã đến thăm và nắm tình hình thực tế chuẩn bị năm học mới tại trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai), Trường Mầm non Phước Thới (quận Ô Môn) và Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều).
Tại các điểm đến, đoàn đã kiểm tra tình hình chuẩn bị năm học mới, thăm hỏi, trò chuyện, động viên các giáo viên, cán bộ quản lý. Qua chuyến đi thực tế, lãnh đạo Thành uỷ cũng ghi nhận sự chủ động của ngành Giáo dục thành phố trong việc chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho năm học mới 2023 – 2024.
“Thành phố Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, muốn trở thành trung tâm của vùng thì phải thực sự là trung tâm của từng lĩnh vực, lĩnh vực giáo dục, y tế… cũng phải là trung tâm. Cho nên lĩnh vực GD&ĐT cũng phải được đầu tư, quan tâm một cách thích đáng để tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đào tạo. Tôi mong muốn giáo dục thành phố phải nằm trong top 15, top 10 cả nước, do đó Sở phải quán triệt nâng cao chất lượng GD&ĐT Cần Thơ, không bằng lòng với những cái mình có, quyết tâm nổ lực cao hơn nữa để xứng tầm với thành phố” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu Sở GD&ĐT cần thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo dịch vụ chất lượng giáo dục đào tạo TP. Cần Thơ là dịch vụ chất lượng cao. Thành phố phải có trường quốc tế cấp 1, cấp 2 và cấp 3 để không chỉ con em TP. Cần Thơ mà cả ĐBSCL có điều kiện học không cần phải đi xa, và chương trình đào tạo này tiếp cận với chương trình đào tạo quốc tế, khi tốt nghiệp THPT có thể được tuyển vào trường đại học.
Ngành Giáo dục nghiên cứu quy hoạch phải tương xứng theo kịp sự chuyển động về kinh tế xã hội, rà soát mạng lưới trường lớp, quy hoạch theo từng khu vực, cấp học của từng địa bàn… đặc biệt quan tâm vấn đề hiệu quả.
Liên quan chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đối với ngành đều có chương trình giáo dục đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức… tuy nhiên chưa có thống kê chất lượng cụ thể, nhưng cũng phải khuyến khích nâng cao chất lượng trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo dục, đây cũng là cách động viên tinh thần đội ngũ.
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh thêm, “ chúng ta cần quan tâm hơn đội ngũ giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng phấn đấu hết mức không để giáo viên gặp khó phải bỏ dạy, học sinh gặp khó phải bỏ học. Đồng thời, thành phố cần tăng cường xây dựng các mô hình điểm trong các cấp học, trường trọng điểm ở trong cấp học để làm sao thành phố có thể tự hào trong từng cấp học kể cả giáo dục thường xuyên, không xây mô hình theo hình thức mà phải đạt chất lượng GD&ĐT rất cao để con em có điều kiện học trong môi trường tích cực, tốt đẹp và là điểm sáng trong hoạt động giáo dục đào tạo để dẫn dắt cho những nơi khó khăn cố gắng noi theo”.
Uyển Nhi