Cuộc đấu tranh tư tưởng, ý thức hệ ở Việt Nam đang diễn ra quyết liệt. Những quan điểm sai trái, thù địch do các thế lực thù địch, phản động thực hiện bằng nhiều cách thức tinh vi, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Để giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, nhiều nhà khoa học đồng hành bằng các nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn, góp phần lan tỏa hệ tư tưởng của Đảng vào đời sống chính trị, tinh thần xã hội nước ta.
Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (Nghị quyết số 35-NQ/TW), đánh dấu bước chuyển mới trong nhận thức của Đảng về công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay và định hướng cho những giai đoạn tiếp theo.
Trong bối cảnh các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu thực hiện “Cách mạng màu” ở Việt Nam, các vụ việc có tính chất liều lĩnh, manh động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp như vụ việc ở Bình Thuận (6/2018), vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (2020), gần đây là vụ việc ở Trường quân sự Quân Khu 7 (01/2023) và vụ việc xảy ra ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk (6/2023). Điều đó cho thấy, trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta càng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tư tưởng để thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc góp phần ngăn chặn âm mưu “Diễn biến hòa bình” và “Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch.
Từ khi được ban hành, Nghị quyết 35-NQ/TW đã mở ra một phong trào thi đua rộng khắp – phong trào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều bài báo, đề tài, công trình khoa học trên mọi mặt của đời sống xã hội được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân cả nước đăng tải, công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Từ đó, tạo ra dòng thông tin chính thống chủ lưu trong đời sống xã hội, tác động to lớn đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cánh chim đầu đàn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, báo chí và tuyên truyền của cả nước. Những năm gần đây, Học viện không ngừng đẩy mạnh và đa dạng nội dung hoạt động và các hình thức đấu tranh tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và học viên, sinh viên.
Năm 2022, Học viện đã đoạt giải tập thể xuất sắc trong Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 2. Trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện xác định “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” là nhiệm vụ trọng tâm, hướng nghiên cứu trọng điểm giai đoạn hiện nay.
Đó là tiền đề cho nhiều công trình khoa học, luận án, những đề tài khoa học có chất lượng tốt về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta trong tình hình mới.
Gần đây, một nghiên cứu khoa học nổi bật về “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” diễn ra ngày 28/6/2023, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), Hội đồng các nhà khoa học đã tổ chức đánh giá đề tài khoa học “Phương thức phối hợp các phương tiện công tác tư tưởng trong ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay”, do tác giả Nguyễn Hữu Dũng thực hiện.
Theo đánh giá các thành viên trong Hội đồng khoa học, luận án là đề tài nghiên cứu khoa học mới và khó. Bằng sự nhiệt huyết, bản lĩnh một đảng viên trẻ, tác giả đã nỗ lực xây dựng khung lý thuyết bám sát thực tế, có số liệu khảo sát thực trạng công phu, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao trong ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam trong thời gian tới. Các kết quả nghiên cứu khoa học, hàm chứa những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn, giúp gia tăng tri thức khoa học, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Tác giả Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, phương tiện công tác tư tưởng là yếu tố mang tính lịch sử, bất kỳ công cụ, vật thể, thiết chế xã hội nào thỏa mãn những điều kiện nhất định đều có thể được các chủ thể công tác tư tưởng sử dụng. Hiện nay, mạng xã hội là một trong những phương tiện quan trọng góp phần nhân lên gấp bội sức mạnh và sự lan tỏa của các phương tiện công tác tư tưởng. Song, sinh hoạt hội họp các tổ chức Đảng vẫn là loại hình phương tiện đóng vai trò “xương sống”, trụ đỡ cho các loại hình phương tiện khác, quyết định đến sức mạnh của phương thức phối hợp các phương tiện công tác tư tưởng để ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam.
Để đấu tranh hiệu quả, các phương tiện công tác tư tưởng cần thực hiện đồng bộ, xuyên suốt hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đó là xây dựng ý thức xã hội tiến bộ, thúc đẩy niềm tin, hành động tích cực trong các tầng lớp nhân dân xây dựng, phát triển đất nước. Chống không để các quan điểm sai trái, thù địch lây lan gây hại trong đời sống xã hội.
Đổi mới phương thức phối hợp các phương tiện công tác tư tưởng trong ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch đòi hỏi không ngừng củng cố và mở rộng “thế trận lòng dân”, sự tham gia của đông đảo quần chúng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, ngăn chặn “từ sớm, từ xa” các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Những năm qua, trong vườn hoa nghiên cứu, các công trình nghiên cứu khoa học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều có những nét riêng. Nhưng đều đang cùng “nhịp đập”, “hơi thở”, hướng đến mục tiêu bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, vận dụng sáng tạo những giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình mới. Qua đó, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, văn minh, giàu đẹp, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.
Nguyễn Dũng