21/08/2022 12:22:36

Phát triển thị trường lao động cần có sự phối hợp đa chiều

Đó là đề xuất của hầu hết các đại biểu khi tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 20/8.

Cung và cầu còn chênh lệch

Trong kỉ nguyên số, thị trường lao động đang có nhiều biến động. Đặc biệt, sau “cú sốc” đại dịch covid-19, điều này càng trở nên rõ nét hơn phơi bày rõ sự chênh lệch giữa cung – cầu và những hạn chế. Có thể kể đến như: Gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động hiện đang cần có việc làm; Tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả…

Do đó, thị trường lao động cần phải thay đổi phù hợp hơn với xu thế thời đại. Muốn làm được, chất lượng lao động phải “ăn khớp” với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Không chỉ có các công ty vừa và nhỏ mà ngay cả các tập đoàn lớn như: Sungroup, Vingroup, Thaco, Hoa Sen…vẫn luôn cần số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng hàng năm.

Theo báo cáo của Vingroup, trong thời tới tập đoàn cần 100.000 nhân sự, trong đó 10% lao động chất lượng cao. Tập đoàn Thaco hiện có hơn 60.000 nhân sự, giai đoạn 2022-2025, có nhu cầu phát triển 15% nhân sự mỗi năm.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh, nguồn lao động chất lượng vàng gồm các yếu tố: Có kỹ năng tay nghề tốt, biết ngoại ngữ, có khả năng thích nghi trong nhiều môi trường làm việc, có kỹ năng mềm…Nhưng lao động Việt còn nhiều hạn chế, chỉ số ít đáp ứng được nhu cầu này.

Thậm chí, sau khi tuyển dụng, dòng chảy người lao động qua doanh nghiệp cao gấp nhiều lần số lượng cần. Ví dụ, một doanh nghiệp tại Bắc Giang cần hơn 5.000 nhân sự nhưng từ 2021 – nay đã có hơn 27.000 lao động chảy qua.

Là đơn vị hợp tác với Việt Nam nhiều năm, Ngân hàng thế giới đã cung cấp nhiều con số đáng suy ngẫm. Trong một báo cáo về cạnh tranh năng lực toàn cầu, kĩ năng lao động của học sinh  Việt khi tốt nghiệp chỉ đứng thứ 116/141, trong khi Singapore đứng thứ 19.

Khảo sát năm 2019 cho thấy, 73% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng các vị trí cấp quản lý, 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có tay nghề phù hợp.

Dễ nhận thấy, phải có những thay đổi căn bản mang tính hệ thống từ cải tiến hệ thống giáo dục, xây dựng mối liên hệ giữa đào tạo và doanh nghiệp.

Liên kết ba bên bền vững để phát triển

Không chỉ nêu rõ những thách thức trong quá trình tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực, các đại diện doanh nghiệp cũng đưa ra những giải pháp mang tính ngắn hạn, trung và dài hạn để mong cùng cơ quan nhà nước, hệ thống giáo dục có những thay đổi thiết thực.

Để phát triển thị trường lao động cần thực hiện toàn diện như: Đẩy mạnh và tập trung đào tạo tay nghề có chất lượng cao, có kỹ năng mềm, có ngoại ngữ; Phối hợp chặt chẽ hơn giữa yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp và hướng đào tạo của nhà trường; Có chính sách cải thiện, nâng cao những phúc lợi cho người lao động từ nhà ở, chế độ tiền lương…

Thực tế, vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở sự phối hợp giữa đào tạo – tuyển dụng. Doanh nghiệp cần tham gia chuỗi đào tạo từ lý thuyết đến thực hành để đưa ra những yêu cầu giúp người học – nhân lực tương lai có chuẩn bị từ sớm.

Tuy nhiên, nếu chỉ vậy vẫn chưa đủ mà cần có sự chỉ đạo, định hướng giáo dục từ chính sách của nhà nước. Tổng Liên đoàn lao động kiến nghị: “Điều trọng tâm là cần chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Bởi lẽ, con người luôn phải là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giảng viên cũng cần được tăng cường và nâng cao. Đặc biệt, hợp tác quốc tế góp phần lớn trong việc cải thiện và trau dồi kỹ năng lao động chất lượng cao, cung ứng cho thi trường lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế.

Đồng ý với các ý kiến thảo luận tại hội nghị, trên cơ sở phân tích các thành tựu, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học.

Thủ tướng chỉ rõ: “Cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội…”,

“Chính phủ đã tổ chức hội nghị về nhà ở xã hội với mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đến năm 2030”, Thủ tướng cho biết.

Ngô Diệp