16/09/2020 9:37:02

“Phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa nâng cao năng suất lao động”

Ngày 16/9, Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Lễ ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN

Hội nghị đã tạo dấu ấn quan trọng khi các Bộ trưởng Lao động và Giáo dục của ASEAN cùng xem xét và thông qua Lộ trình ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay, và chứng kiến Lễ ra mắt của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.

Covid-19 đã tác động đến 2,7 tỷ lao động toàn cầu

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó có chuyển đổi số. Nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất sẽ được thay thế, dẫn đến nhân công bị đào thải và những ngành nghề, phương thức, việc làm mới sẽ ra đời.

Theo Phó Thủ tướng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo. Khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ này ở khu vực các nước khối ASEAN còn cao hơn.

“Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tới 2,7 tỷ lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới. Riêng một nghiên cứu chưa đầy đủ, vào quý II năm 2020 đã có 480 triệu việc làm bị mất, con số này trong khu vực ASEAN là trên 42 triệu. Không chỉ lao động trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da,… mà cả lao động nhỏ lẻ, lao động tự do cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ dẫn đến nguy cơ bị bần cùng hóa và tước đi cơ hội của họ, của gia đình, con trẻ của họ”, Phó Thủ tướng thông tin.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta phải thích ứng với sự thay đổi”

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta phải thích ứng với tương lai, với sự thay đổi. Thực tiễn chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, không chỉ ngành y tế mà cả xã hội và từng người dân đều phải điều chỉnh để có những phản ứng, quyết định kịp thời, đúng đắn.

Trong bối cảnh mới với sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ cũng như mối đe dọa thường xuyên của các yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh…, chúng ta càng phải thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đa phương, đa chiều, thiết lập các mạng lưới, cơ chế kết nối rất linh hoạt giữa các Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và giữa mọi người dân.

“Mọi chính sách, trong đó có chính sách lao động cần được hoạch định dựa trên quy mô không chỉ bó hẹp ở tổ chức, cộng đồng, quốc gia mà phải hướng tới, mở ra tầm khu vực và thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa

Phát biểu khai mạc Hội nghị trước đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay là một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.

“Đây là một sự kiện đặc biệt, bởi lần đầu tiên một hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN được tổ chức với sự tham dự của cả các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực lao động và Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực giáo dục của các nước thành viên ASEAN”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: “Chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa để nâng cao tính cạnh tranh, thích ứng với thế giới công việc đang đổi thay”

Bộ trưởng nhìn nhận, chúng ta đang sống và làm việc trong một thời đại khi tiến bộ khoa học công nghệ đang có tác động sâu sắc lên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của tất cả các nước. Việc ứng dụng công nghệ và số hóa là nhân tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các sản phẩm mới, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới.

Tuy nhiên, đổi mới công nghệ cũng đặt ra không ít những thách thức do sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, làm xuất hiện các công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mới. Ngoài ra, thế giới việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, của xã hội già hóa, của dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhận thức được những cơ hội cũng thách thức đặt ra từ những tác động trên, các nước thành viên ASEAN đều nhận thấy phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của khu vực để phù hợp với một thế giới công việc đang đổi thay.

“Trong điều kiện thế giới đang đổi thay nhanh chóng, ASEAN luôn xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, bởi xét đến cùng thì tăng trưởng và phát triển bền vững cũng chính là để phát triển con người và vì con người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Thách thức hiện giờ làm làm thế nào để phát triển nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thay đổi công nghệ nhanh chóng”

Đồng tình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, chúng ta mới chỉ tác động phát triển được 59% tiềm năng nguồn nhân lực trong khu vực. Thách thức lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, với những ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, thị trường việc làm và những yêu cầu về kĩ năng thiết yếu.

“Trên chặng đường chuyển đổi sang nền kinh tế số, việc cải tổ kĩ năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là rất cần thiết để hướng tới cạnh tranh và năng suất. Phát triển nguồn nhân lực là sự đầu tư dài hạn quan trọng nhất hướng tới viễn cảnh phát triển bền vững của khu vực vì một tương lai chung”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Theo Bộ trưởng Nhạ, thành công của một nền giáo dục không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên, học viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của người học hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của người lao động.

Bộ trưởng khẳng định, Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay là cơ hội rất lớn để các nước ASEAN cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phát triển nguồn nhân lực của mỗi nước và cộng đồng chung.

Coi trọng quan hệ đối tác trong phát triển nguồn nhân lực

Sau phần khai mạc, Hội nghị đã diễn ra 4 phiên thảo luận chủ đề bao gồm: Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên hậu đại dịch; vai trò lãnh đạo của khu vực tư nhân với việc phát triển nguồn nhân lực; các hệ thống giáo dục và đào tạo sẵn sàng cho tương lai để thúc đẩy các kỹ năng của Thế kỷ 21.

Tại các phiên thảo luận, các Bộ trưởng/ diễn giả đã chia sẻ về những sáng kiến, thành tựu và trao đổi quan điểm về các ưu tiên tiềm năng trong hợp tác ASEAN để thúc đẩy nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai; các chính sách, chương trình phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hậu Covid; kinh nghiệm nâng cao vai trò lãnh đạo của khu vực tư nhân với việc phát triển nguồn nhân lực; kinh nghiệm thúc đẩy các kỹ năng của thế kỷ 21 dành cho học sinh, sinh viên và người lao động đối với các thay đổi trong thế giới công việc…

Tham gia vào phiên thảo luận với chủ đề Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam luôn coi quan hệ đối tác trong phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự trực tuyến có khoảng 150 đại biểu ở 70 điểm cầu

Bởi vậy, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN chú trọng xây dựng, thúc đẩy và triển khai hiệu quả nhiều hình thức quan hệ đối tác về phát triền nguồn nhân lực thông qua các kênh hợp tác khác nhau như: Hợp tác công tư, hợp tác giữa các lĩnh vực liên ngành tại mỗi quốc gia, hợp tác ở cấp khu vực, tăng cường quan hệ giữa từng nước thành viên và cả ASEAN với các đối tác song phương và đa phương….

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực trong suốt thời gian qua. Năm 2010, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triền nguồn nhân lực nhằm phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững; đến năm 2017 Việt Nam đưa ra sáng kiến về Tuyên bố APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Năm 2020, trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và nhận được sự ủng hộ tích cực và có hiệu quả của cả hai kênh Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Ban Thư ký ASEAN và các đối tác, Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang thay đổi đã được trình lên và được Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua vào tháng 6/2020. Và tại Hội nghị hôm nay, các Bộ trưởng đã thông qua Lộ trình để thực hiện Tuyên bố này với những cam kết cụ thể và thiết thực.

Bộ trưởng cho biết, tới đây Việt Nam và các nước ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đẩy mạnh hợp tác, đa dạng hóa các hình thức quan hệ đối tác. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, đối tác của Việt Nam nói riêng và ASEAN trong thời gian tới sẽ cùng nhau thúc đẩy hiệu quả quan hệ đối tác nhằm xây dựng nguồn nhân lực ASEAN có tính cạnh tranh cao, đáp ứng trình độ khu vực và thế giới, góp phần xây dựng một cộng đồng chung thịnh vượng và bền vững, đoàn kết và chủ động thích ứng với những thay đổi của thế giới việc làm.

Bài, ảnh: Hồng Sơn – Hải An