05/02/2020 9:55:42

Phát triển GDNN mở, linh hoạt và liên thông: Hướng đi tất yếu xây dựng xã hội học tập

Người lao động muốn giữ được việc làm thì phải học tập và học tập liên tục, học tập suốt đời, GD&ĐT nói chung, GDNN nói riêng phải được tổ chức trong một xã hội học tập mở rộng và linh hoạt, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người học tập suốt đời.

1.  Mở đầu

Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là mục tiêu hàng đầu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Sự phát triển của khoa học và công nghệ làm cho nhiều nghề mới xuất hiện, nhiều nghề cũ mất đi, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo bị lạc hậu nhanh chóng. Người lao động muốn giữ được việc làm thì phải học tập và học tập liên tục, học tập suốt đời, GD&ĐT nói chung, GDNN nói riêng phải được tổ chức trong một xã hội học tập mở rộng và linh hoạt, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người học tập suốt đời. Đòi hỏi này xuất phát từ những thay đổi về kinh tế – xã hội, toàn cầu hóa và tiến bộ của khoa học, sự phát triển của kinh tế tri thức, quá trình chuyển dịch cơ cấu nhân lực trong nước, quốc tế, nguồn nhân lực phải thường xuyên được đào tạo và cập nhật kỹ năng làm việc với một trình độ cao hơn.

Bước sang thế kỷ 21, xu hướng giáo dục đại học (GDĐH )chuyển từ “tinh hoa” sang “đại chúng”, từ hướng “học một lần cho suốt cả cuộc đời” sang hướng “học thường xuyên, suốt đời”, “mọi người được học tập, học thường xuyên, học suốt đời”. Để đáp ứng cho “xã hội học tập” và “con người học tập suốt đời” thì phải có một nền “giáo dục suốt đời”.

Người lao động muốn giữ được việc làm thì phải học tập và học tập liên tục, học tập suốt đời, GD&ĐT nói chung, GDNN nói riêng phải được tổ chức trong một xã hội học tập mở rộng và linh hoạt, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người học tập suốt đời.

Một số kết quả chủ yếu của giáo dục nghề nghiệp thời gian qua

Hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục nghề nghiệp từng bước được quan tâm đúng mức. Theo thống kê của Tổng cục GDNN, tính đến tháng 7/2017, mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện cả nước có 1989 cơ sở GDNN, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN. Đã quy hoạch trường nghề chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Đã có 45 trường công lập được lựa chọn để ưu tiên, tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao vào năm 2020, đồng thời, Bộ đã phê duyệt quy hoạch 26 nghề cấp độ quốc tế, 34 nghề cấp độ ASEAN và hơn 130 nghề cấp độ quốc gia. Hiện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các văn bản pháp luật để vận hành hệ thống GDNN theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạọ.

Công tác tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp được cải thiện và nâng cao. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 27/2017/ TT-BLĐTBXH, ngày 21/9/2017 về việc quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp, và có hiệu lực từ ngày 05/11/2017, tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo đã tập trung đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập; công tác thi, kiểm tra, đánh giá nhằm đáp ứng yêu cầu của hệ thống GDNN mang tính linh hoạt và liên thông; Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường; Công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực giáo viên tập trung vào năng lực phát triển chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá gắn với chuẩn năng lực thực hiện được chú trọng đúng mức.

  • Công tác tuyển sinh những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhất là tuyển sinh trung cấp đầu vào là THCS; chất lượng đào tạo được cải thiện (tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90% với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng; đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và bộ chương trình chuyển giao để triển khai đào tạo thí điểm theo chuẩn của Úc từ tháng 01/2018.
  • Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình các cơ sở đào tạo chất lượng cao, có tính chất mở và linh hoạt, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cam kết trả lại học phí nếu học sinh không có được việc làm với mức thu nhập thỏa đáng sau khi tốt nghiệp.
  • Nhận thức của người dân, xã hội về GDNN đã có sự chuyển biến tích cực.

Những hạn chế, bất cập còn tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những mặt chưa được như: Cơ cấu đào tạo GDNN còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%; Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế; Chưa chủ động, thiếu tính mở, liên thông, linh hoạt trong quá trình đào tạo. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, tác phong công nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp của học sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn cao; Mạng lưới cơ sở GDNN còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo. Chưa hình thành được các trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế; Chậm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở GDNN công lập; Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý nhà nước về GDNN ở các bộ, ngành và địa phương còn thiếu, yếu, phần lớn thực hiện kiêm nhiệm,…

1. Giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông

Để thực hiện được nhiệm vụ đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

  • Đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp
  • Cần rà soát, tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp và các luật có liên quan, ban hành đầy đủ các chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, chỉnh sửa danh mục ngành, nghề đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra) cho các ngành, nghề tương ứng với từng cấp trình độ đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với khung trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đối với các nghề trọng điểm quốc gia cần đảm bảo tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và các nước phát triển. Xây dựng các bộ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của từng ngành, nghề và trình độ đào tạo.
  • Xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn. Đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp. Song song đó cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp đối với đội ngũ nhà giáo, người học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động và doanh nghiệp tham gia đào tạo cũng như việc phân bổ và sử dụng tài chính theo hướng tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tạo động lực cho xã hội tham gia vào hoạt động này.
  • Thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp và liên thông giữa các bậc trình độ và giữa giáo dục nghề nghiệp và bậc đại học; bảo đảm người đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu được học liên thông lên trình độ cao hơn.
  • Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Phát triển hệ thống quản lý, đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục nghề nghiệp quốc gia đảm bảo tương thích với các khung tham chiếu của khu vực. Phát triển kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, công nhận trường chất lượng cao, chương trình đào tạo chất lượng Đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp độc lập. Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng cho các trường cao đẳng và trung cấp theo chuẩn các nước phát triển; nhận chuyển giao công nghệ quản lý, quản trị nhà trường từ các nước phát triển. Áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quản lý hiện đại tại các trường trung cấp và cao đẳng.
    • Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN

Một trong những giải pháp quyết định đến tính tất yếu phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt và liên thông là nhanh chóng chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN. Trong đó cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trở thành nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo ở các nước phát triển, áp dụng chuẩn của các nước phát triển để hình thành đội ngũ giáo viên hạt nhân đạt chuẩn quốc tế có đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài, đồng thời đào tạo lại các giáo viên khác trong hệ thống. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, tiếp cận công nghệ mới,…

  • Tăng cường phát triển GDNN theo hướng mở

Phát triển mô hình đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của giáo dục nghề nghiệp, được tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo. Ngành và địa phương tạo điều kiện để các trường trung cấp, cao đẳng mở các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề nghiệp theo địa chỉ. Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học gắn với chuẩn năng lực và đánh giá sự tác động của chuẩn đầu ra đối với cải thiện chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng; công khai về chất lượng, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính.

  • Tăng cường phát triển GDNN theo hướng linh hoạt

Để đảm bảo tính linh hoạt, các cơ sở GDNN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa và đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, mở rộng đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp cho người lao động. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện cho công tác dạy nghề được phát huy mạnh mẽ, tạo nguồn lực lao động tay nghề cao, để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện thành công giải pháp này cần cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên ngành, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thực dạy, thực học. Khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đóng góp và mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo; xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và nhu cầu giải quyết việc làm.

  • Tăng cường phát triển GDNN theo hướng liên thông
  • Xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ GDNN lên giáo dục đại học trên cơ sở chuẩn các trình độ đào tạo liên thông theo nhóm ngành đào tạo, đảm bảo theo các tiêu chí cơ bản. Thành phần tham gia xây dựng chương trình đào tạo và chương trình đào tạo liên thông gồm cán bộ quản lý, giảng viên trực tiếp giảng dạy, đại diện nhà tuyển dụng, đại diện ngành chuyên môn, cựu sinh viên, chuyên gia phát triển chương trình đào tạo,… . Để tạo thuận lợi cho đào tạo liên thông, các cơ sở đào tạo GDNN cần thành lập Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo theo nhóm ngành, để xây dựng chương trình khung các trình độ đào tạo theo nhóm ngành và chương trình khung đào tạo liên thông theo nhóm ngành, trên cơ sở đó các trường xây dựng chương trình đào tạo và chương trình đào tạo liên thông của từng trường.
  • Hình thành hệ thống cơ sở GDNN có sự phân tầng có trường chất lượng cao, đào tạo những nghề mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp có công nghệ tiến tiến; đồng thời có những trường có những nghề phổ biến, đào tạo nhân lực có tính đại trà cho các doanh nghiệp trong cả nước. Khuyến khích hình thành các cơ sở GDNN, các trung tâm đào tạo tại khu công nghiệp. Bên cạnh đó cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư đồng bộ thiết bị đào tạo hướng tới phù hơp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, gắn với định hướng sử dụng kỹ năng lao động của doanh nghiệp; đổi mới phương thức đào tạo theo hướng đào tạo theo tín chỉ, nhằm đáp ứng nhu cầu học suốt đời của người lao động.
  • Tăng cường công tác phân luồng sau THCS, Điều chỉnh lại cơ cấu và quy mô đào tạo GDNN, giáo dục đại học phù hợp nhu cầu việc làm của thị trường lao động. Thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách để thu hút và khuyến khích người dân vào học các cấp trình độ GDNN như chính sách về miễn, giảm học phí, về sử dụng lao động, trả lương lao động trên cơ sở năng lực nghề nghiệp, về phí, về sử dụng lao động, trả lương lao động trên cơ sở năng lực nghề nghiệp về mức lương theo cấp trình độ đào tạo và các bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của GDNN và cơ hội phát triển của những người tốt nghiệp các cấp trình độ GDNN.
    • Đổi mới cơ chế, chính sách trong phát triển GDNN

Một trong những điều kiện đảm bảo cho sự phát triển theo hướng mở, linh hoạt và liên thông tại các cơ sở GDNN là đổi mới cơ chế, chính sách, trong đó từng bước thực hiện lộ trình tiến tới giao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở GDNN về nhân sự, tài chính, tổ chức đào tạo. Từng bước chuyển cơ chế cấp kinh phí thường xuyên cho các cơ sở sang cơ chế đặt hàng và đấu thầu đào tạo theo kết quả đầu ra không phân biệt trường công lập hay tư thục.

  • Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN

Cần tăng cường kiểm định chất lượng GDNN, từng bước hình thành các tổ chức kiểm định chất lượng GDNN độc lập, phát triển đội ngũ kiểm định viên chất lượng GDNN đủ về số lượng, cao về chất lượng và thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng kiểm định chất lượng GDNN. Thực hiện việc đánh giá phân tầng chất lượng GDNN đối với cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo. Bên cạnh đó đổi mới quản lý nhà trường theo mô hình quản trị hiện đại, theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp ở các trường cao đẳng, trường trung cấp được ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao và tổng kết, đánh giá, triển khai nhân rộng trong hệ thống GDNN

  • Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong GDNN

Bước vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Nhà nước và Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh tăng cường hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý GDNN cho cơ quan quản lý GDNN các cấp. Thiết lập cơ sở dữ liệu về nguồn người học, yêu cầu nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, hoạt động dạy-học và kiểm tra đánh giá trong các cơ sở GDNN; thí điểm vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến trong GDNN đối với tất cả các trình độ đào tạo GDNN. Áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống GDNN.

PGS.TS Cao Hùng Phi

                                                                    Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long

.Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
  2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
  3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quyết định số 1446/QĐ-LĐTBXH, ngày 07/10/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Triển Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm
  4. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ- TTg, ngày 13-09-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
  5. Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 630/QĐ-TTg, ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,