Công tác giảng dạy và quản lí tại Cao đẳng công nghiệp Hà Nội 23 năm nay, cô giáo Trần Thị Bích Liên, Trưởng khoa Điện – Điện tử, chuyên ngành Điện công vẫn miệt mài truyền đạt kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh.
Ngành điện vốn được xem là “lãnh địa” của nam giới, có lẽ trở thành cô giáo ngành điện là cái duyên khi gia đình cô theo nghề kỹ thuật ô tô. Ý thức được bản thân là nữ, lại theo con đường kĩ thuật, cô luôn phải nỗ lực hơn nam giới, cố gắng học tập, trau dồi kiến thức từ các thầy và đồng nghiệp nhiều hơn.
Trong những năm đầu về trường,nhờ sự ủng hộ và hướng dẫn kĩ càng của các thầy cô, những khó khăn đã không thể làm cô chùn bước. Cô đạt được nhiều thành tích đáng tự hào như “Giáo viên giỏi cấp Thành phố” và “Giáo viên giỏi Quốc gia” năm 2006, trở thành Trưởng khoa Điện – Điện tử vào năm 2017. Những thành tựu ấy không chỉ là sự công nhận về mặt chuyên môn mà còn là minh chứng cho ý chí và lòng đam mê.
Yêu nghề và tận tụy với học trò: Các em phải có cái “nghề”! Cô Liên chia sẻ : “Sinh viên chính là kỉ niệm .Giáo viên dạy nghề không giống với giáo viên dạy ĐH, sự quan tâm với trò phải kĩ hơn ”
Đặc biệt, đối với các bạn ở tuổi mới lớn, khi bước vào trường nghề, nhiều bạn mang trong mình tâm lý tuổi mới lớn, các em cần sự quan tâm và thấu hiểu từ thầy cô, nhất là khi nhiều học sinh gặp khó khăn trong gia đình, mâu thuẫn tình cảm tuổi học trò và áp lực từ bạn bè đồng trang lứa khiến nhiều em trở nên tự ti, rụt rè.
Trước nguy cơ nghỉ học của một số bạn khóa trước (K44), cô Liên cùng các thầy cô trong khoa Điện bất kể sớm tối, không chỉ giảng giải và phân tích mà còn chia sẻ câu chuyện của chính mình, giúp em ấy hiểu rằng, chính những khó khăn và thách thức mới là cơ hội để khẳng định bản thân. Nhờ sự động viên, học trò ấy không những hoàn thành chương trình mà còn trở thành một kỹ thuật viên giỏi.
Ngành điện là ngành nghề truyền thống, luôn có nhu cầu lớn Trong kỷ nguyên công nghệ, yêu cầu các thầy cô phải thường xuyên thích ứng và cập nhật kiến thức mới.
Cô Liên cho biết, ứng dụng công nghệ 4.0 vào công việc giảng dạy là giúp các em nắm bắt được cơ chế hoạt động của hệ thống dây chuyền số hóa, cách phát hiện và sửa chữa những lỗi của dây chuyền tự động hóa đó. Sinh viên cao đẳng ngành Điện Công nghiệp ra trường phải đảm bảo thực hiện thành thạo các thao tác như: lắp đặt, đấu nối các hệ thống tín hiệu điện, các thiết bị truyền tải điện; vận hành, kiểm tra và sửa chữa, bảo trì các hệ thống thiết bị điện cho công ty, nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư hoặc các thiết bị điện công nghiệp khác,…
Điều hạnh phúc nhất của người giáo viên chính là đào tạo được một con người có “nghề”, có ích cho xã hội, cô Liên bày tỏ.
Không chỉ truyền kiến thức, bồi dưỡng ôn luyện cho sinh viên tham gia cuộc thi kỹ năng nghề cấp Thành phố, cấp Quốc gia, cô Liên còn truyền lửa yêu nghề, lập nghiệp cho nhiều thế hệ học sinh sinh viên thân yêu của mình.
Bài và ảnh Phương Anh