02/06/2024 2:26:44

Nổi tiếng táo Bàng La trồng trên đất làm muối

Táo Bàng La ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng thường được nhiều người gọi với tên Táo muối. Sở dĩ có tên gọi này là xưa kia phường Bàng La có nghề truyền thống làm muối lâu đời.

Khi nghề làm muối bấp bênh, các diêm dân chuyển sang trồng táo ngay trên đất muối. Với vị táo ngọt đậm xen lẫn chút chua thanh và hơi mặn của đất muối đã làm nên sự khác biệt về vị táo của nơi đây. Ai đã ăn thử một lần đều nhớ mãi và tìm mua.

Chính vì vậy cái tên “táo muối” Bàng La đã được lan truyền khắp trong và ngoài thành phố Hải Phòng. Cây táo Bàng La dần trở thành cây chủ lực của vùng và đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Người dân thu hoạch táo lúc trời mưa

Táo Bàng La nổi tiếng và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Táo Bàng La” từ năm 2015. Sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng mỗi dịp Tết đến xuân về, vừa để đãi khách vừa làm quà biếu, tặng cho người thân, đối tác.

Trước kia táo Bàng La chỉ có một vụ vào mùa đông (thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1 âm lịch) đến nay đã  được ông Bùi Duy Dũng – bí thư phường Bàng La triển khai thí điểm trồng 2 vụ. Phương pháp táo leo giàn cũng được ông Dũng thí điểm gần 5 năm nay từ học hỏi mô hình táo leo giàn kết hợp du lịch ở Ninh Thuận.

Táo vụ hè được thực hiện theo phương pháp leo giàn đã đạt được kết quả bước đầu cho năng suất gấp đôi, táo ngọt hơn vụ đông và giá bán cao hơn do thu hoạch vào thời điểm trái vụ, với giá bán dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/1kg tại vườn.

Vườn táo leo giàn của gia đình ông Bùi Duy Dũng

Táo leo giàn tạo khoảng không dưới các giàn táo giúp che chắn nắng vào mùa hè, rất thích hợp với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Mùa hè, cũng là mùa bãi biển Đồ Sơn thu hút được nhiều khách du lịch. Nhiều đơn vị du lịch, các tổ chức, trường học đã đưa khách, học sinh đến tham quan, trải nghiệm hái táo Bàng La tại vườn.

Với đặc trưng riêng của vùng đất ven biển, từ nhiều năm nay, táo muối Bàng La đang dần khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay các hộ trồng táo chưa chú trọng xây dựng bao bì nhãn mác để quảng bá sản phẩm, nhận diện thương hiệu. Táo Bàng La chưa được phổ biến vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch mà chủ yếu vẫn được bày bán ở chợ, vỉa hè, hàng quán rong dễ gây nhầm lẫn với táo khác.

Đoàn khảo sát Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng tham quan mô hình táo leo giàn

Để nâng cao giá trị sản phẩm, duy trì và nâng tầm thương hiệu, nhãn hiệu tập thể “Táo Bàng La” thì việc quảng bá, xây dựng hệ thống nhận diện, hoàn thiện quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Táo Bàng La” phù hợp với điều kiện sản xuất – kinh doanh sản phẩm và quy định của pháp luật hiện hành cần được chú trọng, quan tâm.

Các hộ sản xuất tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc táo để đảm bảo chất lượng táo đồng bộ và cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của người sản xuất vì một tương lai phát triển nhãn hiệu tập thể “Táo Bàng La”.

Trần Thị Thu Huyền

Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng