Ở nơi những bệnh nhi bé nhỏ hàng ngày phải chiến đấu với bệnh tật, bên cạnh phác đồ điều trị của các y bác sĩ, còn có những “phác đồ” đặc biệt đem lại ánh sáng và nụ cười cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đó là chính là những nỗ lực hàng ngày của các nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Trung ương.
Phòng CTXH, ánh sáng cho những mảnh đời gian khó
“Số tiền này sẽ giúp em chi trả tiền phẫu thuật lần tới cho con chị ạ. May mắn quá. Con em được cứu rồi”, chị Ksor Kiă mẹ của bé Y. nghẹn ngào chia sẻ.
Được biết, chị Ksor Kiă và con gái là bé Y. quê ở Gia Lai đã tới bệnh viện Nhi TW chữa bệnh hơn hai tuần nay. Cháu Y. bị thoát vị nền sọ bẩm sinh. Hoàn cảnh gia đình, bố mẹ 9x làm nông, trên Y có một chị gái 5 tuổi.
Tình cờ, chị Ksor Kiă được một người bạn biết hoàn cảnh và giới thiệu rằng bệnh viện Nhi TW có thể điều trị được bệnh này. Nhìn thấy tia hy vọng sáng bừng cho con nhưng chị lại buồn vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Người bạn động viên, hãy yên tâm đưa con đi chữa bệnh, sẽ có người giúp.
Gia đình chị Ksor Kiă vay mượn được 10 triệu nhưng phải dành một khoản cho con lớn và chi phí đi lại đã gần hết. Đến bệnh viện, người bạn đưa chị gặp Phòng CTXH để nhờ giúp đỡ.
Các nhân viên CTXH đón tiếp và lắng nghe câu chuyện của chị, đồng ý sẽ hỗ trợ gia đình để cháu được phẫu thuật sớm nhất và tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho hai mẹ con.
Đó là một trong rất nhiều hoàn cảnh được Phòng CTXH bệnh viện Nhi TW hỗ trợ và giúp đỡ.
Chị Ksor Kiă tâm sự: “Nhờ có các chị của Phòng CTXH bệnh viện hướng dẫn chi tiết và chu đáo các thủ tục khám và điều trị nên em thấy dễ dàng hơn. Mẹ con em được gặp gỡ các mạnh thường quân để nhận hỗ trợ tiền điều trị cho bé, tặng suất ăn nữa”.
Nụ cười xóa những nỗi đau
Chị Võ Linh Phương, nhân viên CTXH chia sẻ, do đặc thù bệnh viện nhi nên hoạt động CTXH của bệnh viện không chỉ hỗ trợ bệnh nhân trọng thủ tục khám chữa bệnh, tuyên truyền giải thích chính sách BHYT khi người nhà bệnh nhi có yêu cầu; trợ giúp những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, mà Phòng CTXH của bệnh viện còn xây dựng các hoạt động chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi giúp các em cân bằng lại tâm lý, quên đi những giây phút điều trị đau đớn.
“Phòng CTXH đã thiết kế khu vui chơi ở các tầng chẵn, xây dựng tủ sách thư viện tại các tầng lẻ của khu nhà 15 tầng, tổ chức lớp học hy vọng cho các bé từ 6 tuổi với các môn âm nhạc, vẽ tranh; Có đội ngũ đọc truyện cho bé…Chúng tôi mong rằng sau những phút giây phải tiêm, truyền đau đớn, các bé lại được thoải mái, vui vẻ”, chị Linh cho biết.
“Đặc biệt, vào các dịp lễ tết, phòng CTXH luôn tổ chức các chương trình văn nghệ, trò chơi dành cho các bé. Mong rằng, bạn nhỏ sẽ có được không khí và niềm vui như cuộc sống hàng ngày, xua tan nỗi đau đớn mà các em đang phải chịu đựng”.
Quả thật bước vào Bệnh viện Nhi TW có cảm giác như lạc vào thế giới cổ tích. Những hình ảnh ngộ nghĩnh từ các phim hoạt hình được trang trí khắp nền tường. Bệnh nhân nhí reo hò, thích thú khi nhìn thấy nhân vật quen thuộc. Dường như ở giây phút ấy, mọi đau đớn mà các em đang mang trong mình như hoàn toàn tan biến.
Chị Thuận, mẹ của bệnh nhận T.B.H (sinh năm 2008 ở Lâm Đồng) tâm sự: “Con mình bị u trung thất, đến bệnh viện điều trị gần 1 năm rồi, rất tốn kém. Hàng ngày, mẹ con mình cũng được tặng phiếu ăn, tặng sữa và được ở miễn phí tại khu lưu trú bệnh viện trong những ngày ngoại trú vì gia đình mình quá khó khăn. Ngoài những lúc phải vật vã vượt qua cơn đau, hai mẹ con thường ra thư viện tìm sách đọc. Chẳng biết từ bao giờ, con mình đã thích đọc và say sưa kể chuyện”.
CTXH, Phòng của những người chạy theo mục tiêu “3 không”
Không bỏ dở, không trốn viện, không bơ vơ, đó là 3 mục tiêu được Phòng CTXH Viện Nhi TW đặt ra nhằm hỗ trợ những dịch vụ CTXH tốt nhất cho người bệnh. Chính vì vậy nên các nhân viên của Phòng luôn ở tâm thế sẵn sàng, dù hết ca làm việc thì điện thoại vẫn luôn mở 24/24 nhằm tiện trao đổi thông tin, hỗ trợ mọi nhu cầu khẩn cấp của trẻ.
Tại những bệnh viện khác, các nhân viên CTXH thường tiếp xúc, quan tâm chủ yếu đến người bệnh. Còn ở bệnh viện Nhi TW, mối quan tâm lại dành nhiều hơn cho người nhà vì các em đều phụ thuộc vào cha mẹ hoặc người chăm sóc. Nếu người nhà bệnh nhân cảm thấy chán nản, mệt mỏi, muốn buông bỏ thì rất khó để bệnh nhân nhí có thể lạc quan và tiếp tục điều trị.
Chị Nguyễn Thanh Phượng, nhân viên phòng CTXH Bệnh viện Nhi TW chia sẻ: “Đôi khi, những áp lực, vất vả khiến mình mệt mỏi, cảm thấy không còn sức lực . Những lúc ấy mình sẽ lên chơi với các bé. Ngồi nhìn các bé chơi, nghe các bé véo von kể chuyện, chứng kiến sự lạc quan, vô tư của các bé mình thấy mọi vất vả, áp lực chẳng còn là gì. Mình như được tiếp thêm sức lực để vượt qua tất cả, để cái đầu mình lại được thông suốt và nghĩ ra thêm thật nhiều hoạt động hỗ trợ tâm lý xã hội toàn diện cho trẻ và gia đình trẻ trong quá trình khám chữa bệnh ”.
Bên cạnh đó, các nhân viên CTXH còn hỗ trợ cho các nhân viên y tế thông qua các hoạt động như: Kêu gọi tài trợ để hỗ trợ thêm về vật tư y tế cho các khoa phòng, chăm sóc bệnh nhân mồ côi hoặc hỗ trợ liệu pháp tâm lý cho người bệnh và người nhà để giảm áp lực chữa bệnh cho bác sĩ…Phối hợp với các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em để đảm bảo lợi ích đầy đủ cho bệnh nhân trong những trường hợp bị bạo hành, bỏ rơi…
Trải qua gần 15 năm hoạt động, đến nay, mạng lưới CTXH tại Bệnh viện Nhi TW đã vững mạnh và phối hợp chuyên nghiệp hơn. Nhưng lượng bệnh nhân ngày càng đông nênPhòng CTXH vẫn khát nguồn nhân lực trẻ và năng động.
Ngô Diệp