Xây dựng chuỗi cung ứng lao động ổn định, trong đó đặt người lao động là trung tâm, chú trọng đảm bảo thu nhập, an sinh xã hội là một trong những giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch.
Cung lao động đang thiếu cục bộ
Là ngành thâm dụng lao động, dệt may đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, nhưng thu nhập không cao, nên kể từ khi Covid-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện biện pháp cách ly, đời sống người lao động càng khó khăn, nhiều người đã bỏ đi tìm việc khác.
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, để giữ chân lao động, Tập đoàn đã phối hợp với công đoàn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động. Tổng số tiền do Tập đoàn hỗ trợ từ đợt dịch thứ 4 đến thời điểm hiện nay là trên 26 tỷ đồng.
Chính vì vậy, sau khi được mở cửa trở lại từ đầu tháng 10/2021, trong số 65.000 lao động, đã có 56.000 người quay trở lại làm việc. “Có được kết quả trên là do trong suốt quá trình sản xuất, các doanh nghiệp của Tập đoàn đã liên lạc chặt chẽ với người lao động, nỗ lực thực hiện hỗ trợ người lao động trong đại dịch”, đại diện Vinatex nhấn mạnh.
Không phải doanh nghiệp nào cũng có tỷ lệ lao động quay trở lại cao như Vinatex. Xét về mặt bằng chung, đang có sự mất cân đối cung cầu lao động tại một số địa phương lẫn ngành nghề. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, quý I/2022 thiếu hụt khoảng 120.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục…
Còn tại TP.HCM, đến nay khoảng 98% doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất sau đại dịch. Qua khảo sát, hiện các doanh nghiệp đang cần hơn 83.000 lao động, nhưng chỉ tuyển được 67.000 người, thiếu khoảng 16.000 lao động. Dự báo từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ cần từ 135.000 đến 150.000 lao động và nhiều khả năng tiếp tục thiếu lao động, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm.
Phục hồi thị trường lao động
Để phục hồi thị trường lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp như tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung – cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, những giải pháp trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường lao động. Đại diện Vinatex cho rằng, trong giai đoạn này, thay vì để thị trường lao động phục hồi một cách tự phát, các doanh nghiệp cạnh tranh tuyển dụng thông qua việc trả thêm tiền lương hoặc hỗ trợ chi phí quay lại, thì cần “bàn tay” quản lý của Nhà nước và quản lý lao động tại các địa phương nhằm tái bố trí lao động ngay tại chính địa phương theo hướng “ly nông bất ly hương”.
“Các địa phương cần thống kê một cách chính xác số lượng lao động tại địa phương đã trở về từ các khu công nghiệp và tổ chức hoạt động giới thiệu tuyển dụng trên địa bàn để người lao động không phải thực hiện di cư một lần nữa”, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị.
Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, kinh nghiệm của các nước đang phát triển về hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch là giúp người lao động sớm vượt qua những khó khăn trước mắt, quan trọng hơn là củng cố cho họ niềm tin vào tương lai, giúp họ tự học để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng.
Để ổn định cầu lao động và duy trì hoạt động kinh doanh, các nước đang phát triển ưu tiên hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và thực hiện điều chỉnh những quy định về lao động. Trong số chính sách thanh khoản, phổ biến nhất là miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng và phương tiện thanh toán các khoản vay.
Về quy định lao động, ông Vinh cho biết, các nước hỗ trợ việc tăng cường tính linh hoạt trong công việc bằng cách cho phép làm việc từ xa, rút ngắn thời gian làm việc hoặc sắp xếp công việc linh hoạt khác. Nhiều nước cũng đã thực hiện thay đổi về chính sách hỗ trợ và đãi ngộ đối với người lao động, cùng với thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nhân và doanh nghiệp.
Riêng tại TP.HCM, sau làn sóng lao động ngoại tỉnh rời đi, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho biết, đang tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động nhằm bù đắp năng suất còn thiếu, cũng như tổ chức các cuộc đối thoại, thương lượng để đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên trong thị trường lao động. Về mặt dài hạn, TP.HCM tập trung xây dựng bộ giải pháp để theo dõi, quản lý, dự báo thông tin về thị trường lao động, trong đó có kết nối cung cầu nội tỉnh và liên tỉnh với hệ thống dữ liệu.
Theo baodautu.vn