08/12/2024 10:34:40

Nợ BHXH tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp

Tại cuộc họp về quan hệ lao động vừa được tổ chức cuối tháng 11-2024, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết tình trạng nợ BHXH tại thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính đến từ ý thức chấp hành pháp luật của DN còn thấp, đặc biệt là ở một số lĩnh vực kinh tế khó khăn.

Ngoài ra, theo ông Hà việc xử lý các DN trốn đóng BHXH vẫn gặp khó khăn do quy định pháp luật chưa thống nhất, còn chồng chéo.

Quan hệ lao động tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp

Vừa qua, Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ cấp ủy quận, huyện, TP Thủ Đức và cấp ủy cấp trên tương đương, trao đổi tình hình quan hệ lao động trên địa bàn năm 2024. Tại hội nghị, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết lực lượng lao động đang làm việc tại thành phố là hơn 4,9 triệu người. Thành phố hiện có 17 KCX-KCN với khoảng 252.000 công nhân.

Đến nay, LĐLĐ thành phố quản lý 18.830 Công đoàn cơ sở với 1.414.623 đoàn viên/1.537.577 lao động. Với số lượng lao động lớn nên tình hình quan hệ lao động trên địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Lãnh đạo LĐLĐ TP HCM nhận định vấn đề nợ BHXH đang là một thách thức lớn trong quan hệ lao động tại thành phố. Hiện TP.HCM có 59.000 doanh nghiệp (DN) nợ hơn 4.500 tỉ đồng BHXH (nợ 3 tháng trở lên), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 800.000 người lao động, chiếm 1/3 số lao động đang tham gia BHXH.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết tình trạng nợ BHXH tại thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dự kiến đến cuối năm, số nợ BHXH trên địa bàn sẽ được kéo giảm còn khoảng 3.600 tỉ đồng. BHXH thành phố đã thanh tra 2.590 cuộc và dự kiến tăng lên 2.700 cuộc vào cuối năm. Qua thanh tra, BHXH thành phố đã xử phạt 106 đơn vị với số tiền hơn 16 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp nợ trên 10 tỷ đồng

Theo báo cáo của BHXH TP.HCM, tính tới cuối tháng 7.2024, TP.HCM có hơn 16.000 doanh nghiệp nợBHXH.Theo đó, có tới 16.618 đơn vị đang nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Con số này giảm so với số liệu thống kê hồi tháng 6 (với hơn 17.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH).

Trong đó, có nhiều đơn vị nợ đóng BHXH trong khoảng thời gian dài, với số tiền lên tới trên 10 tỉ đồng, như Công ty CP dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (nợ 77 tháng với số tiền hơn 38 tỉ đồng), Công ty CP thương mại dịch vụ Thiếu Nhi Mới (nợ 51 tháng với hơn 31 tỉ đồng), Công ty CP đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế (nợ 16 tháng với hơn 10,8 tỉ đồng), Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (nợ 13 tháng với hơn 44,8 tỉ đồng), Công ty TNHH may mặc sản xuất Quang Thái (nợ 47 tháng với hơn 12 tỉ đồng)…

Tình trạng nợ BHXH tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã là vấn nạn của nhiều năm qua. Mặc dù các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan BHXH, đã có nhiều giải pháp đốc thúc, thanh kiểm tra, xử phạt hành chính… tuy nhiên thực trạng này vẫn kéo dài. Bên cạnh đó, tới nay, vẫn chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự và một trong những lý do nằm ở khâu giấy tờ, thủ tục, chứng cứ.

Nguyên nhân để xảy ra tình trạng nợ BHXH này chủ yếu là vì ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sử dụng lao động chưa tốt; Nhiều doanh nghiệp cố tình “chây ì”, trốn đóng. Ngoài ra còn do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc trích nộp BHXH.

Các bên liên quan kỳ vọng vào luật BHXH sửa đổi mới đây và các văn bản hướng dẫn sắp tới sẽ tạo cơ sở pháp lý tốt hơn để xử lý các chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đại diện các quận, huyện và TP Thủ Đức phản ánh sau dịch COVID-19, số lượng lao động tại nhiều nơi giảm. Số lượng DN tuyển dụng tăng nhưng việc tuyển dụng vô cùng khó khăn vì thiếu lao động. Ngành sản xuất may mặc, vải sợi không phục hồi. Nhiều DN không có đơn hàng và phải cắt giảm lao động. Từ đầu năm đến nay, số vụ tranh chấp lao động giảm so với cùng kỳ năm trước.