Dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2021- 2030 là nội dung hết sức quan trọng và cũng là cơ sở để xây dựng các hợp phần của Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030. Để có những dữ liệu dự báo khoa học, cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, doanh nghiệp. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thống kê, dự báo nhân lực hiện nay.
Nhận diện rõ những hạn chế trong dự báo nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh phát triển nền KT-XH gắn với CMCN 4.0, xác định phát triển nguồn nhân lực , nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới, sáng tạo là khâu đột phá từ nay đến năm 2030. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm cá nước có thu nhập trung bình cao.
Tuy nhiên để xây dựng được Chiến lược phát triển GDNN cho giai đoạn mới, trước tiên cần dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực GDNN trong giai đoạn 2021 – 2030.
Nhìn lại công tác dự báo nhân lực giai đoạn 2015 – 2020 cho thấy một số hạn chế cần khắc phục. Việc dự báo nhu cầu nhân lực là nhiệm vụ rất mới và khó, cần huy động sự tham gia tích cực của các Bộ ngành cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Đặc biệt, là sự tham gia cung cấp thông tin nhu cầu nhân lực từ phía doanh nghiệp/ người sử dụng lao động trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, do thực hiện trong thời gian gấp, Bộ KH-ĐT chưa có nhiều sự hợp tác một cách bài bản, phối hợp tích cực, hiệu quả với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nêu trên trong xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam.
Về thông tin, số liệu, dữ liệu phục vụ dự báo cung cầu nhân lực: cần phải được thu nhập, xử lý bài bản, có kiểm chứng về thông tin giữa các cơ quan, tổ chức khác nhau. Thông tin, số liệu, dữ liệu về nhu cầu nhân lực chưa được thu thập xử lý chi tiết, đầy đủ theo các ngành, lĩnh vực, thậm chí đến các phân ngành, theo từng trình độ, vị trí việc làm… sát với thị trường lao động.
Thực tế, khi xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, việc dự báo chủ yếu được phân tích tính toán dựa trên thông tin thống kê đầu vào về nhân lực, việc làm của 21 ngành; 10 nhóm nghề và 4 cấp trình độ chuyên môn kỹ thuật do Tổng cục Thống kê cung cấp và tập hợp kết quả dự báo nhu cầu nhân lực do các Bộ, ngành cung cấp. Thiếu hoàn toàn thông tin từ phía doanh nghiệp; thông tin của thị trường lao động.
Cách thức, phương pháp, mô hình sử dụng để dự báo nhu cầu nhân lực chưa thống nhất giữa cơ quan chủ trì ( Bộ KH-ĐT) và các cơ quan phối hợp (Các Bộ, ngành Trung ương) dẫn đến kết quả dự báo có nhiều khác biệt tùy thuộc vào từng mô hình, phương pháp, cách thức dự báo của mỗi cơ quan/Bộ, ngành.
Bộ KH-ĐT tư sử dụng mô hình dự báo nhu cầu nhân lực dựa trên xu hướng biến đổi của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng (mô hình dự báo dựa trên lý thuyết về cầu lao động, giả định xu hướng biến động của thương mại, đầu tư, vốn, khoa học công nghệ…. tác động đến GDP, từ đó thay đổi quan hệ giữa GDP và cầu lao động) để tính ra nhu cầu nhân lực của toàn bộ nền kinh tế, tương tự sẽ dự báo nhu cầu nhân lực của các ngành, lĩnh vực. Mô hình này phụ thuộc rất lớn vào độ chuẩn xác của kết quả dựu báo GDP trong trung và dài hạn.
Bộ LĐ-TB&XH sử dụng mô hình LOTUS, mô phỏng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, từng ngành , từng thành phần và dựa trên bảng cân đối liên ngành (I/O). Mô hình này chưa dự báo được cầu lao động theo vùng, theo trình độ và vị thế việc làm, hình thức sở hữu…
Một số cơ sở giáo dục – đào tạo như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia sử dụng mô hình I/O mở rộng để dự báo nhu cầu nhân lực: mô tả liên kết giữa các ngành kinh tế trong quá trình sản xuất bởi các yếu tố đầu tư vào như vốn, lao động, tài nguyên, khoa học công nghệ, chi phí trung gian với kết quả đầu ra.
Khi thực hiện công tác này thiếu sự tham gia, phối hợp giữa các bên trong cung cấp và xử lý thông tin kết quả dự báo cầu nhân lực. Cụ thể là giữa Bộ KH-ĐT và các Bộ, ngành phối hợp chính như MOLISA, MOET cũng như các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, các chuyên gia, nhà khoa học.
Kết quả dự báo của Chiến lược, Quy hoạch chưa làm rõ nhu cầu nhân lực theo nghề nghiệp/vị trí việc làm/công việc hoặc nhóm nghề nghiệp, công việc cụ thể. Kết quả cũng chưa phản ánh được các tác động từ các yếu tố, bối cảnh quốc tế mới xuất hiện như Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, sự tham gia Hiệp định thương mại Việt Nam – EU(EVFTA); cuộc CMCN 4.0…, tác động đến nhu cầu/xu hướng sử dụng, đào tạo nhân lực của quốc gia.
Những vấn đề quan trọng đặt ra đối với dự báo giai đoạn 2021- 2030
Căn cứ vào những tồn tại trên, các vấn đề được đặt ra đối với việc dự báo nhu cầu nhân lực giai đoạn này là:
Phân bổ thời gian và nguồn nhân lực (con người, tài chính….) hợp lý để xây dựng Chiến lược; đặc biệt tập trung làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực theo các trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.
Bộ LĐ-TB&XH cân nhắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn trình Chiến lược từ tháng 9 năm 2020 sang tháng 2 năm 2021- thời điểm mà Chiến lược phát triển KT-XH được Đại hội Đảng toàn quốc thông qua, để cập nhật thông tin, cụ thể hóa định hướng phát triển KT-XH vào trong các chỉ tiêu, định hướng GDNN và dành thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn nội dung Chiến lược.
Cơ quan, đơn vị làm công tác dự báo cần được sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả trong thu thập chia sẻ thông tin, số liệu, dữ liệu với các cơ quan đơn vị trong và ngoài Bộ. Đặc biệt là thông tin về nhu cầu nhân lực từ phía đơn vị sử dụng lao động (doanh nghiệp) trong và ngoài nước.
Các thông tin định hướng, hướng nghiệp, phân luồng; thông tin kế hoạch tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở GDNN; thông tin định hướng về thành lập doanh nghiệp cũng như xu hướng thu hút FDI; xu hướng ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp; các định hướng về thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế vĩ mô, lao động, việc làm; định hướng hội nhập quốc gia trong thời gian tới; xu hướng phát triển của công nghệ, công nghệ thông tin.
Việt Nam đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường, theo đó việc huy động phân bổ cũng theo hướng thị trường. Bộ LĐ-TB&XH và bộ phận làm công tác dự báo cần đổi mới cả về quan điểm, phương pháp và nội dung. Dự báo nhu cầu nhân lực trong Chiến lược GDNN, giai đoạn 2021- 2030 không phải là suy diễn từ quá khứ kéo qua hiện tại và đến tương lai.
Không nên quá chú trọng vào việc tìm kiếm, lựa chọn mô hình dự báo, phó mặc vào mô hình dự báo mà nên kết hợp một cách hài hòa giữa việc sử dụng mô hình dự báo với việc cân đối, tính toán xu hướng thành lập doanh nghiệp; xu hướng di cư và đô thị hóa; những định hướng chính sách của Chính phủ đối với nền kinh tế; quan điểm, định hướng về hội nhập khu vực và quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư; xu hướng phát triển của KHCN trên thế giới tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là nhu cầu sử dụng nhân lực từ phía doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Cần thống nhất rằng: Dự báo nhu cầu nhân lực chính là dự báo nhu cầu của con người trong việc quyết định lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn vị trí việc làm phù hợp dựa trên nguồn cung/thông tin việc làm do doanh nghiệp (đơn vị sử dụng tạo ra). Và như vậy nhu cầu của con người luôn thay đổi, không thể mặc định họ chỉ tham gia đào tạo trình độ này nghề này mà thôi không tham gia đào tạo trình độ ngành nghề kia và ngược lại, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động phẳng cùng với cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cách thức quản trị, sử dụng nhân lực ngày càng thay đổi căn bản toàn diện so với giai đoạn trước đây.
Sự xuất hiện và mất đi của nhiều ngành nghề, công việc mới tạo ra nhiều cơ hội đan xen thách thức đối với người lao động và rất khó đoán định. Nhà nước không nên và không thể làm thay việc của doanh nghiệp thị trường. Nhà nước chỉ thực hiện việc cung cấp thông tin, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, đồng thời thực hiện chức năng điều tiết, định hướng và tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng, thuận tiện cho các chủ thể thực hiện.
Từ cách đặt vấn đề trên, dự báo nhu cầu nhân lực Chiến lược GDNN giai đoạn 2021- 2030 cần tập trung làm rõ một số khía cạnh sau:
- Tổng quy mô/số lượng nhân lực ở các trình độ đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các loại hình đào tạo khác) trong toàn nền kinh tế cũng như một số ngành/lĩnh vực cơ bản.
- Quy mô nhân lực theo trình độ đào tạo của một số ngành nghề , lĩnh vực ưu tiên; khuyến khích đảm bảo đào tạo.
- Dự báo nhu cầu kỹ năng cơ bản của nhân lực cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng.
- Kết quả dự báo nhu cầu nhân lực và các nội dung khác của Chiến lược trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải được tổ chức xin ý kiến góp ý của các chủ thể có liên quan như: Doanh nghiệp/người sử dụng lao động; cơ quan quản lý nhà nước (Các Bộ, ngành và một số địa phương), các cơ sở nghiên cứu, GDNN; hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Bộ Lao động nên xem xét tổ chức các hội nghị, hội thảo ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam) và lựa chọn thêm một số tỉnh, thành phố nơi tập trung nhiều lao động, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế để tổ chức hội thảo, xin ý kiến hoàn thiện Chiến lược.
Ths Phạm Mạnh Thùy
Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch – Đầu tư