TLS: Dịch Covid-19 đã mang đến những thay đổi to lớn trong xã hội, cả ở những nước phát triển và đang phát triển, dẫn theo xu hướng nghề nghiệp cũng đang dịch chuyển. Chọn học ngành gì để ra trường có việc tốt, lương cao, có cơ hội thăng tiến… là mong mỏi của không ít học sinh khi chuẩn bị làm hồ sơ xét tuyển vào đại học. Giữa vô số ngành nghề hot trên thị trường và có nhu cầu tuyển dụng cao thì bạn có nên theo xu hướng đám đông hay tự tìm ra lối đi riêng cho mình. Đó thật là một vấn đề nan giải chắc chắn nhiều bạn học sinh vẫn đang tìm câu trả lời.
Dễ dàng nhìn thấy từ tình hình lao động việc làm quý 1/2022, các ngành nghề có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn đó bài toán về thiếu hụt nhân lực và nguồn lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tình hình lao động việc làm quý 1/ 2022
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Quốc gia, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (lực lượng lao động của nữ là 62,1%, thấp hơn 12,4 điểm phần trăm so với nam). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,9%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,5%.
Trong hơn 3 tháng đầu năm tình hình kinh tế – xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tổng số hơn 50 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,8%, tương đương 13,9 triệu người.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2022 là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40%).
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc quý 1/2022 tăng mạnh
Quý I năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động có sự gia tăng mạnh trong hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu so với quý trước (bình quân 6,4 triệu/ tháng). Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước, tăng tương ứng hơn 1,3 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5% so với quý trước, tăng tương ứng gần 1,3 triệu đồng.
Trong khi đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 24,2%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 23,3%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập là 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 16,5%, tăng tương ứng là 1,5 triệu đồng; ngành kinh doanh bất động sản lao động có thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng, tăng 32,8%, tương ứng tăng 2,6 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt có thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng, tăng 8,4%, tương ứng tăng 736 nghìn đồng.
Đẩy mạnh ngành học được nhiều quan tâm trong các trường đào tạo nghề
Chọn học ngành gì để ra trường có việc tốt, lương cao, có cơ hội thăng tiến… là mong mỏi của không ít học sinh khi chuẩn bị làm hồ sơ xét tuyển vào đại học. Đặc biệt trong số này, không ít bạn trẻ phấn đấu để có thể trở thành những người lãnh đạo trong tương lai, làm sếp, trở thành CEO. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều bạn trẻ đang định hướng cho công việc của mình sau này: ngành học phù hợp với mình, nghề nào mình nên lựa chọn để gắn bó lâu dài, .v.v.
Theo số liệu thống kê về tình hình lao động việc làm, có những ngành học đang nhận được nhiều quan tâm của sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới như:
Ngành Công nghệ thông tin: ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Cụ thể khi học ngành Công nghệ thông tin, sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về: Khoa học máy tính (Computer Sciences); Công nghệ phần mềm (Software Engineering); Công nghệ máy tính (Information Technology); Hệ thống thông tin (Information Systems); Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence); Phân tích dữ liệu (Data Analysis, Big Data Analysis); An ninh mạng (Cyber Security).
Ngành Chăm sóc sức khỏe với sự hỗ trợ của công nghệ sinh học: Đây là nhóm ngành liên quan đến sức khỏe nhưng không phải học y hay dược, gồm các ngành sau: Sinh học phân tử (Molecular Biology, Biological Sciences); Công nghệ hóa sinh (Biochemistry Engineering); Khoa học sức khỏe (Health Care Sciences); Hệ thống sức khỏe số (Digital Health Systems);…
Ngành Hậu cần và chuỗi quản lý cung ứng (Logistics and Supply Chain): với xu thế hội nhập hóa các nền kinh tế, Logistics đang dần trở thành một ngành hot trên thế giới. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh, sự luân chuyển hàng hóa từ nước này sang nước khác hay kể cả trong nước đã khiến Logistics phát triển, trở thành một ngành dịch vụ quan trọng trong giao thương quốc tế. Để đáp ứng khối lượng công việc ngày một lớn, nhu cầu về nhân sự ngành Logistics ngày một tăng cao.
Ngành Thương mại điện tử/Kỹ thuật số: với xu hướng công nghệ 4.0 và hạn chế tiếp xúc giữa người với người, đây là nhóm nghề thực sự bùng nổ: Kinh doanh điện tử (Business Computing hay E- Business); Truyền thông số (Digital Marketing); Business Intelligence and Digital Marketing.
Bên cạnh đó, mùa tuyển sinh 2022, bên cạnh các hình thức cũ như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực, xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài…, các trường cũng dự kiến tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.
Tiêu biểu có thể nhắc đến như trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH SP Kỹ Thuật TP.HCM, CĐ Kinh tế TP.HCM, CĐ Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Công Nghệ Thủ Đức, CĐ Lý Tự Trọng, TC Kinh tế-Kỹ tuật Nguyễn Hữu Cảnh, TC Nguyễn Tất Thành,…
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng về lâu dài việc xét tuyển đại học cần đánh giá tổng quát năng lực toàn diện, kiểm tra kiến thức nhiều môn như kỳ thi của Mỹ, Trung Quốc… thay vì căn cứ chủ yếu vào điểm thi 3 môn như hiện nay.
Quang Trung