25/07/2021 5:26:43

Những nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 đang được triển khai

Ngày 24/7/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản số 2790/BTTTT-THH về việc triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Y tế về triển khai các nền tảng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, Bộ TT&TT đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm và chỉ đạo địa phương thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, thành lập Tổ công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 là bộ phận giúp việc trực tiếp cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 địa phương, với các thành viên của Tổ gồm: lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên thuộc Sở TT&TT, Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương và các đơn vị liên quan khác.

Trung tâm công nghệ phòng chống covid-19 quốc gia.

Nhiệm vụ của Tổ công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 địa phương là tham mưu, triển khai, áp dụng các giải pháp công nghệ để chống dịch trên địa bàn. Tổ Công nghệ cũng là đầu mối phối hợp với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ liên quan để triển khai các giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo địa phương triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc.

Là các giải pháp do Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia phát triển, 3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trên toàn quốc gồm có: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Trong đó, với nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code, các địa phương cần áp dụng việc đăng ký, quét QR Code tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn để bảo đảm kiểm soát người ra vào địa điểm, phục vụ truy vết nhanh, khoanh vùng hẹp và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, các địa phương sẽ trả kết quả xét nghiệm qua các phương tiện CNTT, hạn chế tối đa việc người dân quay lại cơ sở y tế để nhận kết quả xét nghiệm.

Bộ TT&TT đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố chỉ đạo ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 khi xây dựng, thực hiện Kế hoạch chi tiết triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khi đăng ký và thực hiện tiêm.

Đồng thời, chỉ đạo Tổ công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia để tổ chức tập huấn, đào tạo và hướng dẫn triển khai kế hoạch tiêm sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19

“Dữ liệu từ các nền tảng sẽ được Bộ Y tế chủ trì, cung cấp quyền khai thác cho các đơn vị y tế ngành, y tế địa phương và các đơn vị liên quan sử dụng theo quy định của Bộ Y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả”, Bộ TT&TT nêu rõ.

Cục Tin học hóa, đơn vị thường trực của Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia, là cơ quan được Bộ TT&TT giao làm đơn vị đầu mối phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai những nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19. Các địa phương có thể xem tài liệu hướng dẫn triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19 tại trang: https://covid19.tech.gov.vn.

Công nghệ nhận diện gương mặt hỗ trợ quản lý người bị cách ly

Việc thực hiện cách ly các trường hợp F1 tại nhà đã được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm bằng ứng dụng VietNam Health Declaration (VHD). Đây cũng là giải pháp được Bộ Y tế lựa chọn triển khai thí điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.

Theo Ông Lưu Thế Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số (Viettel Solutions), đơn vị phát triển ứng dụng, sau giai đoạn thử nghiệm, đơn vị này ghi nhận hệ thống thực hiện tốt việc quản lý lịch khai báo tại nhà của người cách ly và nhắc nhở người cách ly song song với cảnh báo cho cán bộ y tế khi người cách ly không khai báo y tế.

Cụ thể, người cách ly tại nhà sẽ được yêu cầu sử dụng smartphone. Khi đến thời điểm nhất định trong ngày, họ sẽ phải thực hiện check in bằng nhận diện khuôn mặt để khai báo y tế.

“Trên thế giới hiện có Singapore cũng triển khai các giải pháp giám sát cách ly tại nhà tương tự như trên. Ở Việt Nam, việc có áp dụng rộng rãi hay không cần sự cân nhắc kỹ càng từ phía Bộ Y tế,” ông Thế Anh chia sẻ.

Trước mắt, đơn vị phát triển đang phối hợp với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai giải pháp tại địa phương. Sau đó, giải pháp này sẽ được triển khai trên toàn quốc khi Bộ Y tế chính thức công nhận việc F1 hoặc F0 có thể tự cách ly tại nhà.

PV (t/h)